Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất

09:05, 08/05/2022

Mặc dù đã tăng cường nhiều giải pháp để giảm thiểu rủi ro về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nhưng thời gian qua, Đồng Nai vẫn là một trong những tỉnh, thành còn xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ). Chỉ tính riêng năm 2021, toàn tỉnh đã xảy ra 1.340 vụ TNLĐ làm 1.347 người bị nạn, trong đó có 28 người tử vong, gây thiệt hại về vật chất trên 16 tỷ đồng.

Mặc dù đã tăng cường nhiều giải pháp để giảm thiểu rủi ro về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nhưng thời gian qua, Đồng Nai vẫn là một trong những tỉnh, thành còn xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ). Chỉ tính riêng năm 2021, toàn tỉnh đã xảy ra 1.340 vụ TNLĐ làm 1.347 người bị nạn, trong đó có 28 người tử vong, gây thiệt hại về vật chất trên 16 tỷ đồng.

Theo Sở LĐ-TBXH, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ TNLĐ nhưng nguyên nhân chính vẫn là từ phía doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) trong việc chấp hành những quy định về ATVSLĐ. Trong đó, về phía DN, bên cạnh DN chấp hành tốt, quan tâm, chăm lo đến an toàn của NLĐ trong sản xuất thì vẫn còn không ít DN thờ ơ, xem thường các quy trình đảm bảo ATVSLĐ. Thậm chí, có DN dù đã được các đơn vị chức năng kiểm tra nhắc nhở, chấn chỉnh nhiều lần nhưng vẫn cố tình vi phạm những lỗi rất cơ bản như không trang bị bảo hộ lao động đầy đủ cho NLĐ, môi trường làm việc kém thông thoáng, công tác phòng cháy chữa cháy chưa đảm bảo…

Về phía NLĐ, lỗi dễ nhận thấy nhất là ý thức tuân thủ ATVSLĐ còn hạn chế. Nhiều lao động mặc dù biết tính chất công việc của mình nhưng vẫn chủ quan, không chấp hành các nguyên tắc đảm bảo an toàn khi tham gia sản xuất, như không mặc đồ bảo hộ hay đeo thiết bị đảm bảo an toàn. Vì thế, chỉ cần một phút lơ là, không ít NLĐ đã phải đánh đổi cả tính mạng của mình, để lại nỗi đau dai dẳng cho những người ở lại. Còn những lao động bị TNLĐ dù được cứu sống nhưng thương tật để lại suốt đời, gây khó khăn trong việc đảm bảo việc làm, thu nhập để chăm lo đời sống của bản thân và gia đình.

Những bài học về việc không đảm bảo ATVSLĐ là thấy rõ nhưng vì sao vẫn chưa có tác dụng răn đe một cách mạnh mẽ mà bằng chứng là hằng năm, số vụ vi phạm về ATVSLĐ và TNLĐ trên địa bàn tỉnh vẫn cao? Liệu các quy định liên quan đến xử phạt những đơn vị vi phạm đã đủ nặng hay vẫn còn tình trạng “giơ cao đánh khẽ”? NLĐ sẽ chịu hình thức xử lý như thế nào nếu cố tình không tuân thủ ATVSLĐ để bảo đảm an toàn, tính mạng của mình? Đây có lẽ là những câu hỏi rất cần được giải đáp trong Tháng hành động về ATVSLĐ này nhằm giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ, đảm bảo mục tiêu  sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất.

Cải thiện điều kiện làm việc, tạo môi trường an toàn để NLĐ yên tâm sản xuất là trách nhiệm của DN. Tuy nhiên, về phía NLĐ cũng phải được trang bị tốt các kỹ năng nhằm đảm bảo an toàn, tránh tâm lý chủ quan, lơ là, xem thường những nguyên tắc đảm bảo ATVSLĐ. Chỉ khi công tác ATVSLĐ được siết chặt, những vụ vi phạm được xử lý nghiêm, khi ấy tình hình sản xuất mới được đảm bảo, hạn chế đến mức thấp nhất việc xảy ra những vụ TNLĐ thương tâm…

M.N

Tin xem nhiều