Báo Đồng Nai điện tử
En

Chống ngập từ ý thức của người dân đô thị

11:05, 06/05/2022

Ngập nước sau mưa lớn là một trong những vấn đề đau đầu của các đô thị, trong đó có TP.Biên Hòa. Chính tốc độ đô thị hóa cao, quy hoạch hạ tầng không theo kịp tốc độ phát triển; tình trạng tắc nghẽn cống thoát nước… là một số nguyên nhân chính khiến nhiều tuyến đường, khu dân cư ở thành phố hơn 1,2 triệu dân này cứ mưa lớn kéo dài là nước ngập lênh láng.

Ngập nước sau mưa lớn là một trong những vấn đề đau đầu của các đô thị, trong đó có TP.Biên Hòa. Chính tốc độ đô thị hóa cao, quy hoạch hạ tầng không theo kịp tốc độ phát triển; tình trạng tắc nghẽn cống thoát nước… là một số nguyên nhân chính khiến nhiều tuyến đường, khu dân cư ở thành phố hơn 1,2 triệu dân này cứ mưa lớn kéo dài là nước ngập lênh láng.

Thời gian qua, TP.Biên Hòa đã triển khai nhiều giải pháp chống ngập, trong đó có tiến hành thi công nhiều công trình chống ngập lớn, nhỏ nhưng khắc phục ngập nơi này, lại xuất hiện điểm ngập ở nơi khác

Thực trạng trên lãnh đạo thành phố cũng đã có những phương án khắc phục, xử lý như: tăng tốc triển khai các công trình chống ngập; khơi thông, nạo vét các cống, mương, suối... Tuy nhiên, theo lãnh đạo thành phố, điều khó nhất vẫn là nâng cao ý thức người dân đô thị trong việc không xả rác bừa bãi ra môi trường.

Tại không ít tuyến đường, khu dân cư của TP.Biên Hòa dễ dàng bắt gặp hình ảnh sau cơn mưa toàn là rác. Rác thải từ các bãi rác tự phát theo nước mưa tràn xuống đường, trôi xuống cống, sông, suối khiến ai nhìn thấy cũng phải ngao ngán. Ngoài rác thải sinh hoạt, nhiều người còn xả chất thải, dầu mỡ, vật dụng… trực tiếp xuống cống thoát nước. Qua đó cho thấy, ý thức của một bộ phận người dân đô thị chưa cao, chưa thấy được hành vi xả thải bừa bãi của mình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, làm tắc nghẽn cống thoát nước vốn đã quá nhỏ so với lượng nước mưa, nước thải quá lớn, góp phần gây ngập lụt cục bộ, ảnh hưởng đến việc đi lại, đời sống sinh hoạt của người dân.

Thực tế, việc bắt quả tang, xử lý đối với hành vi xả rác bừa bãi ra môi trường cũng không dễ dàng khi người vi phạm thường đổ rác lén lút vào trưa vắng, đêm tối, khi trời mưa to…, trong khi chính quyền địa phương không có đủ lực lượng để theo dõi, bắt quả tang các vi phạm này. Tuy nhiên, không phải khó là không làm, nếu có sự quyết tâm và kế hoạch cụ thể, rõ ràng vẫn có thể thực hiện được. Điển hình là mới đây, một số địa phương ở TP.Biên Hòa đã bắt quả tang nhiều trường hợp vứt bỏ rác bừa bãi và xử lý theo quy định. Phải làm mạnh như vậy mới tạo sức răn đe với các trường hợp vi phạm.

Song song đó, chính quyền các địa phương, nhất là những nơi thường xảy ra ngập cục bộ, cần xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng lấn chiếm mương, suối thoát nước làm thu hẹp dòng chảy; thực hiện tốt công tác vận chuyển, thu gom rác thải sinh hoạt; định kỳ ra quân dọn dẹp các bãi rác tự phát, khơi thông cống rãnh…

Để nâng cao ý thức người dân đô thị trong giữ gìn vệ sinh môi trường, quan trọng nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai cam kết đăng ký thu gom rác thải sinh hoạt, bỏ rác đúng nơi quy định, không vứt rác thải bừa bãi… đến các tổ dân phố, hộ dân, trường học, nhất là các hộ dân có buôn bán, sản xuất, kinh doanh, cho thuê nhà trọ…

Theo đó, cần đa dạng các kênh tuyên truyền, nhất là trên các trang mạng xã hội làm sao để người dân hiểu được bên cạnh triển khai các công trình chống ngập thì rất cần sự tham gia, hợp tác của người dân trong công tác chống ngập, từ những hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn là: để rác đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi ra nơi công cộng. Việc làm này không những là cách giữ cho môi trường xanh - sạch - đẹp mà còn góp phần giúp nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường sống, thể hiện một lối sống văn minh hơn.

Đặng Ngọc

Tin xem nhiều