Khi một người tiêu dùng hiện đại đứng trước kệ hàng siêu thị với 2 hộp sữa trên tay gần như tương đồng về chất lượng và giá cả thì hộp nào được chứng nhận quá trình nuôi bò, lấy sữa, phối trộn nguyên liệu, đóng gói bao bì, phân phối…
Khi một người tiêu dùng hiện đại đứng trước kệ hàng siêu thị với 2 hộp sữa trên tay gần như tương đồng về chất lượng và giá cả thì hộp nào được chứng nhận quá trình nuôi bò, lấy sữa, phối trộn nguyên liệu, đóng gói bao bì, phân phối… đều tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, sử dụng nguyên liệu sạch, áp dụng các công nghệ “xanh”, lợi thế sẽ thuộc về hộp sữa đó.
Nhìn rộng ra, với góc nhìn cạnh tranh về xuất khẩu của một doanh nghiệp (DN) và của một quốc gia, rõ ràng DN, quốc gia nào xây dựng được các tiêu chí chặt chẽ để các sản phẩm xuất đi nước ngoài được đảm bảo tuân thủ các quy trình “xanh”, không gây hại đến tài nguyên, giảm phát thải, áp dụng công nghệ sạch… sẽ có lợi thế hơn rất nhiều so với các dòng hàng tương tự xuất phát từ những DN, quốc gia có phần “buông lỏng” các yếu tố nói trên.
Đó là những ví dụ được xem xét dựa trên một số yếu tố thiên về lợi ích kinh tế, còn nếu xét về lợi ích sâu hơn, thì rõ ràng sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, tăng trưởng xanh là những xu thế khó đảo ngược khi con người càng ngày càng có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường sống của mình cho cả hiện tại và tương lai.
Và xu hướng này đang ngày càng lan rộng trên quy mô toàn cầu, nên Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế. Chính phủ đã đề ra Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh với mục tiêu đến năm 2050 Việt Nam xác định sẽ thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu, áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát khí thải nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
Ở cấp độ địa phương, Đồng Nai cũng là một trong những tỉnh, thành tiên phong ưu tiên các dự án thân thiện với môi trường, giảm sử dụng lao động, kiên quyết từ chối những dự án có công nghệ lạc hậu, kêu gọi DN hạn chế sử dụng các nguyên, nhiên liệu không tốt cho môi trường, siết các quy định về xả thải…
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và XI đặt ra mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng tiên phong trong việc tìm hiểu, áp dụng mô hình khu công nghiệp sinh thái. Tỉnh cũng mới được Chính phủ phê duyệt bổ sung 6,5 ngàn ha đất phát triển khu công nghiệp và dự kiến sẽ hình thành thêm 8 khu công nghiệp nữa, trong đó ưu tiên phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái.
Thực tế, sẽ có khá nhiều việc phải làm để dần đạt được mục tiêu “xanh hóa” trong phát triển và không ai đứng ngoài cuộc, từ người tiêu dùng đến DN, địa phương, quốc gia. Quá trình này đòi hỏi hệ thống chính sách mang tính trợ lực cũng cần sát sườn hơn, các giải pháp cũng phải đồng bộ và có sự tham gia của nhiều bên nhằm tạo điều kiện “đấu nối” và hợp nhất giữa các hệ sinh thái xanh của ngành, địa phương, quốc gia và quốc tế.
Vi Lâm