Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiên định nhưng linh hoạt trong phát triển "tam nông"

08:01, 25/01/2022

Đến lúc này, sau hơn 10 năm phát động, thực hiện phong trào Toàn dân xây dựng nông thôn mới, có lẽ không ai bàn cãi về những thành tựu to lớn mà phong trào đã đạt được trên thực tế, xét cả về quy mô cả nước lẫn quy mô từng địa phương, trong đó có Đồng Nai.

Đến lúc này, sau hơn 10 năm phát động, thực hiện phong trào Toàn dân xây dựng nông thôn mới, có lẽ không ai bàn cãi về những thành tựu to lớn mà phong trào đã đạt được trên thực tế, xét cả về quy mô cả nước lẫn quy mô từng địa phương, trong đó có Đồng Nai. Đơn cử: diện mạo nông thôn đổi mới mạnh mẽ theo hướng văn minh, hiện đại; đời sống và thu nhập của nông dân được nâng cao; ngành Nông nghiệp đạt nhiều thành tựu, nhất là trong xuất khẩu và xây dựng thương hiệu lâu dài...

Cần nhắc lại, ngay trước khi có phong trào xây dựng nông thôn mới rộng rãi, Đồng Nai đã xây dựng nghị quyết riêng về phát triển “tam nông” (nông dân - nông nghiệp - nông thôn) và thực hiện triệt để đến từng vùng, từng địa phương. Thực tế, nhiều tiêu chí, mục tiêu của xây dựng nông thôn mới sau này cũng tương đồng với nền tảng chính sách phát triển tam nông, trong đó lấy nông dân làm chủ thể, mọi định hướng hay chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn cuối cùng cũng nhằm mục đích nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho hàng chục triệu nông dân. Chính vì có nền tảng nên Đồng Nai những năm qua nhanh chóng trở thành “lá cờ đầu” trong phong trào xây dựng nông thôn mới trên cả nước.

Và hiện tại, một giai đoạn mới đang mở ra với cả thời cơ lẫn thách thức cho ngành Nông nghiệp, cho nông thôn và nông dân. Với hàng chục tỷ USD kim ngạch xuất khẩu mỗi năm, nhóm hàng nông sản Việt Nam đang ngày một tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Khởi đầu bằng việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007 và sau đó là 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương được ký kết liên tục, việc mở đường về thể chế, chính sách cho hàng nông sản Việt Nam thâm nhập vào thị trường thế giới thuận lợi hơn. Cơ hội đến và nhiều doanh nghiệp, nông dân đã nắm bắt được, đưa nông sản Việt Nam có mặt tại hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất có lẽ vẫn nằm ở những điểm yếu nội tại. Đến lúc này, theo đánh giá của các chuyên gia, vẫn có đến 85-90% lượng hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới phải thông qua trung gian và “ẩn mình” dưới các thương hiệu nước ngoài. Thiếu vốn, thiếu công nghệ, tích tụ ruộng đất không cao nên khó tổ chức sản xuất lớn, thiếu kinh nghiệm quảng bá và bán hàng, thiếu thông tin thị trường… vẫn đang là rào cản đối với ngành Nông nghiệp và sâu xa hơn là rào cản cho xây dựng nông thôn mới, cho việc đầu tư phát triển “tam nông” trong giai đoạn tới. Dịch bệnh Covid-19 gây nên những đứt gãy của nhiều chuỗi logistics cũng đòi hỏi nông dân, doanh nghiệp lẫn Nhà nước phải có sự linh hoạt trong các chính sách tháo gỡ, hỗ trợ cho “tam nông” trong giai đoạn tới.

Sự kiên định vẫn nằm ở mục tiêu xây dựng nông thôn giàu mạnh, nâng cao đời sống nông dân, song mọi chính sách, định hướng giờ đây phải linh hoạt thích nghi với thời đại mới, thách thức mới thì mới hiệu quả và bền vững.

Vi Lâm

Tin xem nhiều