Báo Đồng Nai điện tử
En

Không thể chần chừ!

11:12, 06/12/2021

Y tế cơ sở là tuyến y tế gần dân nhất, thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Tuyến y tế cơ sở có hoạt động tốt, hiệu quả mới góp phần giảm tải cho y tế tuyến trên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tuyến y tế cơ sở đang tồn tại nhiều bất cập, còn thiếu sự đầu tư cả về cơ sở vật chất lẫn nguồn nhân lực nên hoạt động chưa hiệu quả.

Y tế cơ sở là tuyến y tế gần dân nhất, thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Tuyến y tế cơ sở có hoạt động tốt, hiệu quả mới góp phần giảm tải cho y tế tuyến trên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tuyến y tế cơ sở đang tồn tại nhiều bất cập, còn thiếu sự đầu tư cả về cơ sở vật chất lẫn nguồn nhân lực nên hoạt động chưa hiệu quả. Trong “cuộc chiến” với đại dịch Covid-19, những lỗ hổng của tuyến y tế cơ sở càng bộc lộ rõ, đòi hỏi phải có một chiến lược mang tính lâu dài để khắc phục.

Giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, việc phát hiện, truy vết, theo dõi, quản lý các trường hợp F0, F1, F2 phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ cán bộ y tế ở các trạm y tế xã, phường.

Tuy nhiên, do nhân lực thiếu, lại phải cùng lúc đảm đương nhiều nhiệm vụ khác nhau nên công tác quản lý bệnh nhân có lúc, có nơi còn bị buông lỏng. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho tình trạng bệnh lây lan nhanh, khó kiểm soát ở nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành phía Nam. Khả năng chống đỡ của hệ thống y tế cơ sở có thời điểm khá yếu ớt, bởi khối lượng công việc lớn nhưng điều kiện làm việc, trang thiết bị y tế vô cùng thiếu thốn. Nhiều nhân viên y tế ở tuyến y tế cơ sở làm việc ngày đêm, không có thời gian nghỉ ngơi, áp lực cao nhưng thu nhập lại khá bèo bọt, không tương xứng với công sức bỏ ra. Không ít người vì thế đã xin nghỉ việc để tìm việc khác có thu nhập khá hơn, ít áp lực hơn.

Ở Đồng Nai, nhiều nhân viên y tế tuyến cơ sở đã xin nghỉ việc sau đợt “chiến đấu” với làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4. Hiện một số địa phương đang thiếu trầm trọng lực lượng bác sĩ và nhân viên y tế khối dự phòng và các trạm y tế xã, phường. Có nơi mới tuyển đủ được hôm trước, hôm sau bác sĩ đã xin nghỉ vì điều kiện làm việc thiếu thốn, chế độ phụ cấp, lương bổng không tương xứng. Chính vì thiếu nhân lực nên mới xảy ra tình trạng có trạm y tế được cung cấp nhiều trang thiết bị y tế hiện đại để phục vụ công tác khám chữa bệnh, nhưng đành đắp chiếu, phủ màn vì không ai biết sử dụng. Trong khi đó, có trạm y tế dù nhu cầu sử dụng lớn, nhân lực hoàn toàn đáp ứng được khả năng khám chữa bệnh lại không được đầu tư máy móc cần thiết khiến hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho người dân không cao. Do đó, trạm y tế chưa thực sự là địa chỉ tin cậy để người bệnh tìm đến khi có nhu cầu.

Theo Sở Y tế, toàn tỉnh hiện có 170 trạm y tế nhưng hầu hết trong số này được xây dựng từ lâu, hiện đã xuống cấp, rất cần được nâng cấp, sửa chữa. Bên cạnh đó, số máy móc, trang thiết bị y tế của các trạm cũng đã hết khấu hao, đòi hỏi phải có sự đầu tư trong thời gian tới. Vừa qua, để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch, các trạm y tế cũng đã được quan tâm, mua sắm thêm một số trang thiết bị nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Về lâu dài, các trạm y tế này cần phải tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện về hạ tầng, nhất là về nguồn nhân lực thì mới tăng khả năng ứng phó được với dịch bệnh và trở thành nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu thực sự cho người dân.

Những bất cập, hạn chế của tuyến y tế cơ sở đã bộc lộ từ lâu, song qua thực tiễn công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua cho thấy, đã đến lúc không thể chần chừ, cần tập trung đầu tư một cách bài bản, đồng bộ nhằm nâng cao năng lực cho y tế cơ sở. Bởi, chỉ khi “gốc” phát triển tốt thì “ngọn” mới tốt tươi…

Minh Ngọc

 

Tin xem nhiều