Hàng chục năm trước, tư duy "làm kinh tế rừng" đơn thuần chỉ gói gọn trong việc khai thác gỗ hoặc giảm diện tích rừng để "dành đất" cho các hoạt động kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nhiều năm nay, tư duy đó đã thay đổi.
Hàng chục năm trước, tư duy “làm kinh tế rừng” đơn thuần chỉ gói gọn trong việc khai thác gỗ hoặc giảm diện tích rừng để “dành đất” cho các hoạt động kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nhiều năm nay, tư duy đó đã thay đổi. Thay vì chọn các mục tiêu kinh tế gây thiệt hại hoặc ảnh hưởng xấu đến các diện tích rừng, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã chuyển hướng vừa bảo vệ rừng, vừa trồng rừng, vừa đề ra các giải pháp khai thác các lợi ích từ rừng một cách hài hòa và bền vững.
Với hơn 170 ngàn ha rừng, Đồng Nai là địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn ở khu vực Đông Nam bộ và thêm vào đó, các diện tích rừng tại Đồng Nai còn được các nhà khoa học đánh giá là có đa dạng sinh học vào bậc nhất khu vực. Ngoài ra, còn có cảnh quan đẹp, hệ động - thực vật đa dạng cả trên cạn lẫn dưới nước cũng là những điểm mạnh cho Đồng Nai phát triển kinh tế rừng thuận lợi hơn.
Sớm nhìn ra các lợi thế này, trong phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030 mà tỉnh đã phê duyệt, ngoài mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên, hệ sinh thái rừng, tỉnh đã đặt ra yêu cầu khai thác các giá trị kinh tế rừng để tăng nguồn thu, giảm chi ngân sách.
Đặc biệt, trong các phương án bảo vệ lẫn phát triển rừng, tư duy quan trọng nhất là phải giúp cải thiện đời sống người dân địa phương, nghĩa là để người dân địa phương thấy được lợi ích của chính mình trong suốt quá trình gìn giữ và phát triển rừng.
Tuỳ thuộc vào đặc điểm rừng tại địa phương, nhiều phương án vừa bảo vệ, vừa khai thác lợi ích từ rừng đã được đặt ra: khai thác rừng sản xuất, liên kết với người dân phát triển trồng các loại cây lâm nghiệp trên đất rừng và cho thuê dịch vụ môi trường rừng; nâng cao sản lượng gỗ và lâm sản ngoài gỗ từ trồng keo, cao su. Cùng với đó là thực hiện nghiêm việc bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều nơi cũng đã chủ động kết nối, hình thành những tour tham quan, du lịch sinh thái rừng, gắn với vùng sản xuất nông sản đặc trưng của địa phương hoặc thiết kế các chương trình tham quan du lịch núi - hồ kết hợp. Bên cạnh đó là việc phát triển hoạt động thuê, khoán rừng nhằm cải thiện sinh kế cho người dân địa phương.
Tư duy “nương tựa vào rừng” để phát triển kinh tế hài hòa, bền vững được đánh giá là rất nhân văn và có giá trị lâu dài. Vì vậy, để hỗ trợ các địa phương có diện tích rừng lớn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tham gia mạnh mẽ hơn, tạo được nhiều lợi ích tích cực hơn…, còn cần đến các cơ chế, chính sách rõ ràng, thông thoáng, hài hòa lợi ích các bên. Bên cạnh các chính sách khai thác cụ thể theo từng loại hình rừng đặc trưng, còn cần đến những chính sách mang tính ràng buộc, những chế tài nghiêm ngặt để bảo vệ sự đa dạng sinh thái rừng. Có như thế, rừng mới được giữ gìn và phát triển; đồng thời, những người khai thác lợi ích từ rừng cũng thấu hiểu và thực hiện đúng trách nhiệm của mình trong quá trình khai thác.
Vi Lâm