Cuối tháng 9-2021, ngay khi các địa phương vừa "chớm" dừng giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã triệu tập hội nghị trực tuyến với sự tham dự của tất cả các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương nhằm tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên cả nước.
Cuối tháng 9-2021, ngay khi các địa phương vừa “chớm” dừng giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã triệu tập hội nghị trực tuyến với sự tham dự của tất cả các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương nhằm tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên cả nước. Chính phủ đã xác định, trong bối cảnh kinh tế đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh thì giải ngân vốn đầu tư công là một trong những động lực rất quan trọng cho quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Ngay sau hội nghị này, Chính phủ đã thành lập nhiều tổ công tác, liên tục giao ban với các bộ, ngành, địa phương để đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư công. Các bộ, ngành, địa phương cũng làm việc sát sao với các chủ đầu tư, nhà thầu, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực tế, phấn đấu giải ngân đầu tư công đạt được tỷ lệ cao nhất có thể. Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng đích thân làm Tổ trưởng Tổ công tác số 3, kiểm tra 3 bộ, 5 cơ quan và 4 địa phương (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa). Các địa phương, trong đó có Đồng Nai, cũng rất quyết liệt trong việc thực hiện các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là ở các dự án trọng điểm.
Tuy nhiên, 2021 là năm đặc biệt khó khăn khi nhiều tỉnh, thành phía Nam phải giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong suốt 4-5 tháng, khiến các dự án phải tạm dừng. Những khó khăn nội tại khác như công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp khó khăn và đặc biệt giá nguyên vật liệu, chi phí nhân công tăng đột biến trong năm nay cũng làm các dự án gặp rất nhiều thách thức.
Chính vì vậy, theo báo cáo của Bộ Tài chính, đối với 12 bộ, cơ quan trung ương và địa phương thuộc đối tượng kiểm tra, tính đến ngày 30-11-2021, số tiền giải ngân được gần 28 ngàn tỷ đồng trên tổng số vốn được phân bổ kế hoạch năm 2021 là hơn 76 ngàn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 36,48%. Các địa phương trọng điểm như TP.HCM cũng chỉ đạt tỷ lệ giải ngân 42%, Đồng Nai đạt 45%...
Với Đồng Nai, mục tiêu đặt ra là sẽ giải ngân đạt trên 95% tổng nguồn vốn đầu tư công. Tuy nhiên, đến hết tháng 11-2021, toàn tỉnh chỉ mới giải ngân nguồn vốn gần 11 ngàn tỷ đồng, tương đương với khoảng 45% kế hoạch vốn trong năm. Trong số này, nguồn vốn ngân sách trung ương mới chỉ giải ngân được hơn 1 ngàn tỷ đồng, đạt gần 21% kế hoạch và nguồn vốn ngân sách địa phương giải ngân được khoảng 4,6 ngàn tỷ đồng, đạt hơn 58% kế hoạch. Từ đây đến cuối năm, tỉnh đặt mục tiêu giải ngân đạt từ 90% trở lên đối với nguồn vốn ngân sách địa phương do UBND tỉnh và UBND cấp huyện giao chỉ tiêu. Riêng với nguồn vốn ngân sách trung ương, chỉ thực hiện giải ngân theo số liệu thực tế.
Tại cuộc họp trực tuyến kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đối với một số bộ, cơ quan và địa phương diễn ra vào sáng 15-12 do Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì, ý kiến chỉ đạo quan trọng nhất vẫn là “thi công ngày đêm để đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất có thể”, dù chỉ còn 16 ngày là hết năm 2021. Song Phó thủ tướng cũng lưu ý, không chạy theo chỉ tiêu mà buông lỏng, để xảy ra sai phạm và dù quyết tâm để hoàn thành cao nhất kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công nhưng phải bảo đảm chất lượng, để sớm khánh thành, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư.
Vi Lâm