Với 31 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động và nhiều KCN đang nằm trong quy hoạch, Đồng Nai vẫn luôn được xem là "chiếc nôi" của sản xuất công nghiệp cả nước với bề dày lịch sử gần 60 năm, nếu tính từ khi KCN đầu tiên (Biên Hòa 1) được xây dựng.
Với 31 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động và nhiều KCN đang nằm trong quy hoạch, Đồng Nai vẫn luôn được xem là “chiếc nôi” của sản xuất công nghiệp cả nước với bề dày lịch sử gần 60 năm, nếu tính từ khi KCN đầu tiên (Biên Hòa 1) được xây dựng.
Mặc dù sau này có những địa phương mới nổi lên trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, song Đồng Nai vẫn là địa phương nằm trong tốp dẫn đầu cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp, với sự đa dạng về ngành nghề, sự phong phú về quy mô và các loại hình doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sau hàng chục năm phát triển, dịch vụ dành cho các KCN lại được đánh giá là phát triển chưa tương xứng. Chỉ cần chọn góc nhìn và dịch vụ nhà ở công nhân là có thể thấy ngay những điểm yếu. Với hơn 600 ngàn công nhân làm việc khắp các khu công nghiệp, nhà ở (nhà trọ, chung cư, nhà cho thuê…) luôn là dịch vụ “nóng” nhất trong ngành, đặc biệt ở những địa phương phát triển mạnh về công nghiệp như TP.Biên Hòa và các huyện Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch. Có thể nói, đa số “thị phần” của dịch vụ này là tự phát, chất lượng thiếu sự kiểm soát và do đó, tính bền vững không cao. Các dịch vụ khác mang tính nền tảng như: y tế, thương mại, dịch vụ, giáo dục, vui chơi giải trí… tại các địa phương phân bố nhiều KCN hiện cũng còn rất thiếu thốn và chất lượng không cao.
Ở một góc nhìn khác, nhóm dịch vụ cao cấp hơn cho các doanh nghiệp, chuyên gia, doanh nhân… cũng đang rất thiếu. Hàng ngàn chuyên gia và người điều hành doanh nghiệp làm việc tại Đồng Nai lâu nay cũng chọn cách đi đi về về giữa Đồng Nai và TP.HCM vì dịch vụ tại Đồng Nai chưa đủ thu hút họ “an cư lạc nghiệp”. Các dịch vụ đặc thù như: hội thảo, du lịch đội nhóm, huấn luyện chuyên môn, nhà hàng, khách sạn, vui chơi giải trí… ở tầm trung hoặc cao cấp dành cho các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đang là khâu yếu. Hiện tại, các doanh nghiệp vẫn đang tìm đến thị trường TP.HCM để được cung cấp các dịch vụ mà nhu cầu sử dụng phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh của mình.
Câu hỏi đặt ra là vì sao có hàng trăm ngàn người lao động sinh sống tập trung ở một vùng mà vùng nào cũng thiếu và yếu về dịch vụ? Theo phân tích của nhiều chuyên gia, có nhiều yếu tố dẫn đến thực trạng này, cả chủ quan lẫn khách quan: quá gần trung tâm dịch vụ TP.HCM, nhu cầu tiêu dùng dịch vụ của đại đa số công nhân, người dân chưa cao và còn phân tán, chưa chú trọng thu hút đầu tư vào mảng dịch vụ, thủ tục cho các dự án về dịch vụ còn nhiều vướng mắc...
Tuy nhiên, đã đến lúc việc thu hút đầu tư một cách bài bản cho lĩnh vực dịch vụ cần được đặt ra, đặc biệt là trong tương lai gần, khi Đồng Nai được dự đoán sẽ trở thành địa phương dẫn đầu về thu hút đầu tư và phát triển kinh tế sau khi các “siêu dự án” như sân bay Long Thành đi vào hoạt động. Cần sự chuẩn bị kỹ càng về tầm nhìn, quy hoạch, chính sách thu hút đầu tư cho dịch vụ ngay từ lúc này, dựa trên sự nghiên cứu về loại hình, nhu cầu sử dụng các loại dịch vụ trong nhiều năm tới. Có như vậy, khoảng cách giữa sản xuất, kinh doanh với ngành dịch vụ mới được kéo gần và cùng nhau đóng góp vào sự phát triển chung bền vững.
Vi Lâm