Chỉ trong 4 ngày, 2 vụ cháy nghiêm trọng làm 10 người tử vong xảy ra ở TP.HCM và TP.Hà Nội là một hồi chuông cảnh báo về những bất cập, hạn chế trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) ở khu dân cư, kể cả nhà mặt phố hay nhà trong hẻm.
Chỉ trong 4 ngày, 2 vụ cháy nghiêm trọng làm 10 người tử vong xảy ra ở TP.HCM và TP.Hà Nội là một hồi chuông cảnh báo về những bất cập, hạn chế trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) ở khu dân cư, kể cả nhà mặt phố hay nhà trong hẻm. Đặc điểm chung của 2 căn nhà bị cháy là chỉ có lối ra vào duy nhất là cửa chính, không có lối thoát hiểm. Điều đáng lo ngại khi đây cũng là đặc điểm của nhiều ngôi nhà ở các đô thị lớn hiện nay.
Theo cơ quan chức năng của TP.Biên Hòa, nguy cơ cháy, nổ trong khu dân cư luôn hiện hữu. Toàn thành phố vẫn còn 58/197 khu dân cư (tương đương với ấp, khu phố của 30 phường, xã) có nguy cơ cháy, nổ cao do chưa đảm bảo an toàn về PCCC như: sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ (xăng, dầu, gas, gỗ…), không có lối thoát hiểm hoặc lối thoát hiểm quá nhỏ, lại còn bị bịt kín bởi hàng hóa, đồ đạc... Đây là con số đáng quan tâm và cần có giải pháp ngăn ngừa cháy trong các khu dân cư để hạn chế những thiệt hại do cháy gây ra.
Để đảm bảo công tác PCCC trong khu dân cư, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần làm đúng quy định của Chính phủ về an toàn PCCC. Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 6 Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24-11-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC đã xác định điều kiện đảm bảo an toàn PCCC cho khu dân cư như sau: khu dân cư phải có nội quy về PCCC, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an; có hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, giải pháp chống cháy lan, phương tiện PCCC bảo đảm số lượng và chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an; có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có lực lượng dân phòng được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.
Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát PCCC của tỉnh ngoài chú trọng tuyên truyền về những nguy cơ, hậu quả, cách phòng chống các vụ cháy, nổ cũng cần tăng cường diễn tập các kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm khi xảy ra cháy, nổ trong khu dân cư (tòa nhà thương mại, chung cư cao tầng và cả nhà mặt phố hoặc nhà trong những con hẻm siêu nhỏ) để hạn chế thấp nhất các thiệt hại về người và tài sản khi có hỏa hoạn xảy ra.
Tuy nhiên, giải pháp quan trọng nhất trong phòng ngừa cháy, nổ trong khu dân cư vẫn là ý thức chủ động PCCC của mỗi hộ gia đình, của từng cá nhân trong các hộ gia đình. Từ ý thức trong việc sử dụng nguồn nhiệt, điện; đến việc chú ý phòng cháy ngay từ khi xây dựng nhà cửa (cần bố trí có ít nhất 2 lối thoát hiểm); chủ động tìm các phương án xử lý ban đầu, nhất là phương án thoát hiểm khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Đừng để rơi vào tình cảnh “mất bò mới lo làm chuồng” vì khi xảy ra cháy, nổ trong khu dân cư, thiệt hại về người và tài sản hết sức nghiêm trọng, nặng nề.
Đặng Ngọc