Cùng với sự khởi động chính thức của siêu dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sau nhiều năm "rục rịch", có thể nói, giai đoạn 5 năm vừa qua (2015-2020) là giai đoạn sôi động của Đồng Nai xét trên lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.
Cùng với sự khởi động chính thức của siêu dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sau nhiều năm “rục rịch”, có thể nói, giai đoạn 5 năm vừa qua (2015-2020) là giai đoạn sôi động của Đồng Nai xét trên lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Ngoài siêu dự án sân bay, Đồng Nai cũng nỗ lực cùng Chính phủ, Bộ GT-VT và các địa phương lân cận tích cực chuẩn bị mặt bằng cho các dự án đường cao tốc, đường vành đai có tính kết nối giao thông liên vùng. Bên cạnh đó là những dự án đường tỉnh, đường nội ô các đô thị trong tỉnh, các tuyến tránh quốc lộ… cũng đã và đang được tập trung đầu tư, nâng cấp.
Nhìn nhận lại thì trước đây, Đồng Nai là một trong những địa phương được đánh giá là khá chậm chạp trong phát triển hạ tầng giao thông, bởi nhiều lý do khách quan, trong đó có việc thiếu nguồn lực. Do đó, giai đoạn 5 năm vừa qua có thể nói là giai đoạn mà Đồng Nai “chuyển mình” thực sự khi rất nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn nhỏ được quy hoạch, được tính toán nguồn lực đầu tư và nhiều dự án đang được tích cực thực hiện.
Thực tế, với một dự án giao thông, từ khi được “vẽ” trên giấy tờ quy hoạch đến khi “nên vóc nên hình” thực thụ, đòi hỏi khá nhiều thời gian do thủ tục đầu tư, tìm nguồn vốn, giải phóng mặt bằng, thi công… không thể thực hiện nhanh như xây một ngôi nhà. Do đó, năm trước phải tính toán cho năm sau, thậm chí tính trước nhiều năm tới để chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực triển khai.
Trong 3 lĩnh vực được lãnh đạo tỉnh xác định sẽ tạo đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai gần của Đồng Nai thì phát triển hạ tầng giao thông là lĩnh vực đầu tiên mang tính nền tảng, tiếp theo đó là phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến sâu xuất khẩu và phát triển thương mại dịch vụ tổng hợp. Chính vì vậy, Đồng Nai sẽ tìm nhiều giải pháp để huy động các nguồn lực tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, và đây được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Chính vì vậy, ngay từ thời điểm này, tỉnh đang ráo riết tính toán, lên phương án để chuẩn bị thật tốt các nguồn lực nhằm triển khai thực hiện hiệu quả các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của quốc gia và của tỉnh trong giai đoạn 5 năm tới. Theo đó, trong số các dự án cần nguồn vốn lớn trên địa bàn tỉnh sẽ triển khai trong 5 năm tới đã có đến 5 dự án cần vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng/dự án. Tính toán sơ bộ cho thấy, trong giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai cần khoảng 70 ngàn tỷ đồng để đầu tư cho các dự án hạ tầng kỹ thuật, trong đó phần lớn là công trình giao thông.
Các nguồn lực hiện tại và trong tương lai, ngoài nguồn lực từ các quỹ đất tạo vốn, còn cần thêm các nguồn lực từ khối kinh tế tư nhân, song để khai thác tốt nguồn lực này, đòi hỏi phải thông qua các chính sách đầu tư hấp dẫn doanh nghiệp, song đồng thời phải có lợi cho người dân, cho Nhà nước. Vậy nên ngay từ lúc này, Chính phủ cũng cần hỗ trợ Đồng Nai nói riêng và các địa phương khác trong cả nước nói chung bằng việc kiến tạo chính sách thu hút nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, tháo gỡ những khó khăn hiện hữu để thu hút được các nguồn lực, “tạo nền” cho tương lai.
Vi Lâm