Trong những năm qua, Việt Nam luôn ưu tiên cho việc xây dựng Cộng đồng ASEAN để thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực, mở ra một thị trường lớn với sân chơi chung của 10 quốc gia trong khối gồm: ...
Trong những năm qua, Việt Nam luôn ưu tiên cho việc xây dựng Cộng đồng ASEAN để thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực, mở ra một thị trường lớn với sân chơi chung của 10 quốc gia trong khối gồm: Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Brunei, Lào, Campuchia và Myanmar. Sau khi AEC có hiệu lực gần 3 năm, nền kinh tế của ASEAN từ vị trí thứ 7 thế giới đã tiến lên được vị trí thứ 5, đây là nỗ lực của các thành viên trong khối.
AEC mang đến cho Việt Nam cơ hội lớn nhưng cũng đi kèm thách thức không nhỏ. Cụ thể, AEC mở ra thị trường có hơn 634 triệu dân với tổng GDP hơn 3 ngàn tỷ USD. Đồng thời, AEC hình thành không gian sản xuất thống nhất phát huy được lợi thế chung của các nước. Dịch vụ, vốn, lao động có tay nghề sẽ được tự do lưu chuyển trong ASEAN. Các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, hưởng ưu đãi về thuế quan. Hiện ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam chỉ sau Hoa Kỳ, châu Âu và cũng là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam sau Trung Quốc, Hàn Quốc. Các doanh nghiệp Việt Nam đã kịp thời nắm bắt cơ hội từ AEC để tăng xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, AEC giúp người tiêu dùng Việt Nam có nhiều sự lựa chọn về hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao có giá cả cạnh tranh. ASEAN cũng sẽ tạo ra thị trường chung hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vào để hưởng các chính sách ưu đãi trong sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, Việt Nam phải đối mặt với thách thức là hàng hóa của các nước trong ASEAN tương tự nhau nên sẽ bị cạnh tranh gay gắt. Ngoài ra, Việt Nam phải tuân thủ luật chơi chung và thực hiện những cam kết, điều chỉnh chính sách pháp luật cho phù hợp.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn ẩn chứa nhiều khó khăn, đặc biệt là đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia tăng trưởng âm, doanh nghiệp các nước sẽ tính toán kỹ hơn khi chọn nơi đầu tư. Các chuyên gia kinh tế thế giới đánh giá ASEAN vẫn là thị trường tiềm năng, có nền kinh tế năng động, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nếu các quốc gia trong khối không tiếp tục vươn lên, tạo ra một thị trường chung đồng đều, chính sách thông thoáng để tiếp tục tham gia vào hội nhập sâu thì sẽ mất đi cơ hội sẵn có.
Hiện nay, các nước trong khối ASEAN đang hướng đến thực hiện một cửa quốc gia, tiến đến một cửa ASEAN nhằm tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi để tiếp tục đón dòng vốn từ Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác.
H.G