Đầu năm 2019, Đồng Nai đã quyết định lựa chọn 2 cụm công nghiệp (CCN) Phú Túc và Long Giao để dành riêng mời gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến nông sản.
Đầu năm 2019, Đồng Nai đã quyết định lựa chọn 2 cụm công nghiệp (CCN) Phú Túc và Long Giao để dành riêng mời gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến nông sản.
Theo định hướng, tỉnh sẽ mời gọi các đơn vị đầu tư hạ tầng, đầu tư xây dựng các CCN hoàn chỉnh. Sau khi hoàn thiện hạ tầng sẽ ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp chế biến nông sản đầu tư, sản xuất.
Lâu nay, Đồng Nai vẫn được biết đến như là một “thủ phủ” về phát triển công nghiệp.Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp cũng là một thế mạnh của Đồng Nai.Hiện nay, Đồng Nai là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tổng đàn heo, gà cũng như sản lượng hồ tiêu. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các khu sản xuất tập trung nông nghiệp lớn như: cao su (44 ngàn ha), điều (34 ngàn ha), cà phê (19 ngàn ha), hồ tiêu (9 ngàn ha), chôm chôm (10 ngàn ha)… Đồng Nai cũng là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng trang trại với hơn 3,8 ngàn trang trại hiện có.
Như vậy, tiềm năng để Đồng Nai phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản là rất lớn. Đáng tiếc, cũng như thực trạng chung của ngành nông nghiệp cả nước, sản xuất nông nghiệp ở Đồng Nai hiện vẫn chủ yếu phát triển theo dạng xuất “thô” với giá trị gia tăng thấp. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này vẫn là sự “èo uột” của ngành chế biến nông sản.
Trên thực tế, nhờ lợi thế về phát triển công nghiệp nên Đồng Nai hiện đã hình thành một số chuỗi sản xuất nông nghiệp khép kín từ sản xuất đến chế biến, nhất là trên lĩnh vực chăn nuôi.Tuy nhiên, phần lớn các chuỗi này lại thuộc sở hữu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Thống kê của Sở Công thương cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 300 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm.Trong đó, có hơn 130 doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu, CCN và phần lớn trong số này là doanh nghiệp FDI.
Trong khi đó, đối với các cơ sở và hộ kinh doanh hoạt động trên lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm lại chủ yếu đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh.Phần lớn trong số này có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu nên chỉ dừng ở mức sơ chế mà chưa thể chế biến sâu.
Từ thực tế đó, việc Đồng Nai định hướng thành lập 2 CCN chuyên biệt, dành riêng cho chế biến nông sản là cần thiết. Việc hình thành các CCN sản xuất tập trung, gắn với các vùng nguyên liệu lớn sẽ là “cú hích” cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm trong nước phát triển. Đặc biệt, khi đầu tư vào các CCN, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước. Trong bối cảnh tiềm lực còn hạn chế, việc được hưởng các chính sách này cũng là động lực giúp các doanh nghiệp, cơ sở có điều kiện mở rộng, đầu tư trang thiết bị, dây chuyền hiện đại phục vụ sản xuất.
Ca cao hiện là một trong những mặt hàng nông sản của Đồng Nai đang phát triển tốt nhờ đầu tư tốt cho lĩnh vực chế biến. Nếu như giá trái ca cao tươi hiện chỉ ở mức khoảng 6,2 ngàn đồng/kg thì sau khi chế biến và bán các sản phẩm sau chế biến giúp nâng cao giá trị hạt ca cao lên khoảng 60% so với xuất thô. Bài học từ hạt ca cao chính là kết quả chính xác nhất khẳng định việc đầu tư cho công nghiệp chế biến chính là “lời giải” cho bài toán nâng cao giá trị ngành nông nghiệp.
V.L