Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ doanh nghiệp nội trước làn sóng ngoại

10:06, 08/06/2020

Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều sự thay đổi trong nền kinh tế thế giới. Xu hướng dịch chuyển dòng chảy thương mại, dòng chảy đầu tư từ Trung Quốc ra các nước lân cận đang ngày càng tăng và Việt Nam là một địa chỉ để nhà đầu tư nước ngoài (FDI) nhắm đến nhằm đa dạng hóa nguồn cung, chuỗi cung ứng.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều sự thay đổi trong nền kinh tế thế giới. Xu hướng dịch chuyển dòng chảy thương mại, dòng chảy đầu tư từ Trung Quốc ra các nước lân cận đang ngày càng tăng và Việt Nam là một địa chỉ để nhà đầu tư nước ngoài (FDI) nhắm đến nhằm đa dạng hóa nguồn cung, chuỗi cung ứng.

Đó là một thời cơ thuận lợi cho nền kinh tế nói riêng, sự phát triển cộng đồng doanh nghiệp (DN) nói chung, song hiện nay, bên cạnh việc dịch chuyển nhà máy sản xuất thì có hiện tượng khối ngoại đang tìm cách thâu tóm các DN Việt có tiềm năng. Đây chính là một nỗi lo, bởi DN Việt quy mô nhỏ, tác động của đại dịch Covid-19 gây ra rất nhiều khó khăn, cần nhiều thời gian để hồi phục, thậm chí có DN tạm ngưng hoạt động hoặc trên bờ vực phá sản. Lúc này, một số nhà đầu tư FDI tranh thủ cơ hội thâu tóm DN Việt bằng cách góp vốn, mua cổ phần. Thay vì mất thời gian và thủ tục đăng ký mới vốn đầu tư trực tiếp, cách làm này giúp các DN FDI thâm nhập thị trường Việt Nam nhanh và dễ dàng hơn.

Trong điều kiện bình thường, dòng vốn ngoại đi cùng sự chuyển giao công nghệ mới, quản trị hiện đại sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN Việt Nam. Nhưng tình hình hiện nay, những thương vụ sáp nhập, mua bán (M&A) đang có xu hướng nhằm vào các DN bị “bào mòn” sức lực, do vậy sẽ chỉ mang tính chất thâu tóm, không đem lại lợi ích, không làm cho DN Việt mạnh lên. Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng đang lo ngại hiện tượng này.

Vấn đề nữa, ngay cả các DN tiềm năng của Việt Nam (DN có quy mô vừa và lớn, đã có thị phần nhất định, có vai trò dẫn dắt một số ngành kinh tế quan trọng) cũng có khả năng bị thâu tóm. Qua nắm bắt tình hình thực tế và phản ánh của cộng đồng DN, ngay chính Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam đã có kiến nghị Chính phủ tạm thời dừng việc mua bán, sáp nhập trong giai đoạn dịch bệnh để hạn chế tình hình nói trên. Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, thậm chí Bộ Chính trị đã ra quyết định về khôi phục sản xuất sau dịch Covid-19, trong đó nhấn mạnh không để DN Việt bị lợi dụng thâu tóm bởi nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, yêu cầu đặt ra ngay bây giờ là phải triển khai nhanh các chính sách hỗ trợ và khơi thông cơ chế để tiếp sức cho DN vượt qua thời điểm khó khăn. Ðồng thời tham khảo kinh nghiệm thế giới như kiểm soát dòng vốn đầu tư gián tiếp qua hoạt động góp vốn, mua cổ phần của DN trong nước, cân nhắc việc cho phép mua cổ phần tại các DN chủ chốt của nền kinh tế…

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, trông đợi từ bên ngoài thôi chưa đủ, hơn ai hết, bản thân DN phải tự biết bảo vệ mình. Nếu DN chỉ lo sợ bị thâu tóm mà không có sự chuẩn bị, tự đổi mới thì trước sau gì cũng khó trụ vững được trong bối cảnh hội nhập mới. Vấn đề quan trọng, tự thân DN phải biết nghe, hiểu và vận dụng vào hoàn cảnh của mình, tìm lợi thế để có thể vượt qua chính nỗi lo. Chỉ có thích ứng kịp thời mới có thể tồn tại được và sự hỗ trợ chính sách từ phía các bộ, ngành lại là chất xúc tác để giúp DN có thêm sức mạnh trụ vững trước làn sóng ngoại.             

                Vương Thế

 

Tin xem nhiều