Báo Đồng Nai điện tử
En

Tự chủ, không nóng vội...

10:10, 08/10/2019

Cách đây 13 năm, khi Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập được triển khai, bộ mặt của nhiều bệnh viện công lập thay đổi rõ rệt.

Cách đây 13 năm, khi Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập được triển khai, bộ mặt của nhiều bệnh viện công lập thay đổi rõ rệt. Nhiều bệnh viện đã huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cũng như thu hút đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế giỏi về làm việc. Diện mạo các bệnh viện công lập có sự thay đổi lớn và đáng mừng là chất lượng dịch vụ y tế cũng được nâng lên đáng kể.

Từ bước đi ban đầu nhiều khởi sắc đó, Bộ Y tế đã có chủ trương giao quyền tự chủ tài chính cho các bệnh viện công lập với 3 mục tiêu khá rõ ràng: huy động nguồn vốn dồi dào trong xã hội để đầu tư cho bệnh viện công lập; giúp đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý và đẩy mạnh liên kết công - tư trong khám chữa bệnh. Và quả thật, chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện, các bệnh viện công lập được chọn thí điểm tự chủ tài chính đã có những bước phát triển mang tính đột phá mà nếu không có cơ chế khuyến khích tự chủ, rất khó để những bệnh viện này “lột xác”.

Ngay tại Đồng Nai, 3 bệnh viện được lựa chọn để thực hiện tự chủ tài chính là Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất và Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh hiện đã khác xa so với 10 năm về trước không chỉ về diện mạo bên ngoài, trang thiết bị đầu tư bên trong mà quan trọng hơn là chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh nhân được nâng lên đồng nghĩa với uy tín của bệnh viện ngày càng củng cố. Đồng Nai cũng là địa phương đi đầu với mô hình liên kết công - tư được đánh giá phù hợp với xu thế phát triển, tạo được sức cạnh tranh với hệ thống y tế ngoài công lập và phát huy được những ưu thế vốn có của y tế công lập.

Tuy nhiên, cũng như nhiều bệnh viện công lập đang thực hiện tự chủ tài chính của cả nước, 3 bệnh viện ở Đồng Nai đang đứng trước thực trạng được giao quyền tự chủ nhưng tự chủ… nửa vời. Nghĩa là không được quyền quyết định hết mọi khâu trong quá trình hoạt động, nhất là về bố trí nhân sự hay mua sắm trang thiết bị, xây dựng, sửa chữa cơ sở. Do đó, các bệnh viện đang gặp khó trong việc tạo những “cú hích” mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển, nhất là việc chi trả lương để giữ chân bác sĩ giỏi về làm việc, gắn bó lâu dài.

Tất nhiên, có lý do để việc tự chủ tài chính trong các bệnh viện công lập hiện nay chưa được “tự chủ” hoàn toàn. Thực tế cho thấy, để tăng nguồn thu, không ít bệnh viện đã lạm dụng các xét nghiệm không cần thiết buộc bệnh nhân phải chi trả hoặc gia tăng các chỉ định sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Điều này vừa gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước, vừa khiến bệnh nhân chịu thiệt thòi.

Tự chủ tại chính không có nghĩa là các bệnh viện công lập thích làm gì thì làm. Vì vậy, trong khi chờ một cơ chế rõ ràng, các bệnh viện được giao quyền tự chủ không nên nóng vội, vẫn phải chấp hành tốt những quy định hiện hành để làm sao vừa phát huy được ưu điểm về quyền tự chủ, vừa hạn chế được tình trạng lạm dụng kỹ thuật để tăng nguồn thu mà vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ, tăng sự hài lòng của người bệnh.

Minh Ngọc

 

Tin xem nhiều