Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần thêm trợ lực cho "ngành xương sống"

09:10, 06/10/2019

Công nghiệp hỗ trợ được cho là "ngành xương sống" của nền kinh tế trong thời hội nhập. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cung ứng phần lớn sản phẩm đầu vào cho sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, giảm giá thành, tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm...

Công nghiệp hỗ trợ được cho là “ngành xương sống” của nền kinh tế trong thời hội nhập. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cung ứng phần lớn sản phẩm đầu vào cho sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, giảm giá thành, tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm... Và thực sự, sản phẩm có cạnh tranh được ở thị trường hay không lệ thuộc rất lớn vào trình độ phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ.

Chính vì vậy, những quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc từ 60-70 năm trước đã sớm xây dựng hàng loạt chính sách để “mở đường” cho công nghiệp hỗ trợ phát triển. “Bệ đỡ” về chính sách cho ngành công nghiệp hỗ trợ xoay quanh việc phát triển và tăng cường kết nối công nghiệp giữa các doanh nghiệp lớn với các nhà cung cấp phụ kiện trong nước. Ngoài ra là các chính sách hỗ trợ, ưu đãi thông qua các tổ chức, chương trình, dự án… một cách hiệu quả.

Chính phủ Việt Nam đã sớm nhìn nhận vai trò quan trọng của công nghiệp hỗ trợ đối với nền kinh tế, do đó cũng có nhiều chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ trong khoảng 20 năm nay. Nhờ đó, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có những bước tiến khá dài, từ chỗ phải nhập khẩu gần như toàn bộ, chuyển sang sử dụng được nhiều sản phẩm trong nước và một số ngành đã và đang nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm lên cao như: dệt may, giày dép, điện tử, cơ khí…

Mặc dù vậy, có vẻ tốc độ phát triển của ngành vẫn chưa tương xứng với yêu cầu hội nhập, dù có một số địa phương phát triển khá mạnh về công nghiệp hỗ trợ như Đồng Nai, Bình Dương, song nhìn chung trên phạm vi cả nước, sự phát triển này chưa đồng đều giữa các địa phương và các ngành sản xuất. Trong nhiều cuộc hội thảo nhằm thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng nguyên nhân của tình trạng này một phần là do nguồn lực đầu tư cũng như sự hỗ trợ của Nhà nước cho ngành này còn khiêm tốn, chưa đủ mạnh và hiệu quả, chưa tương xứng với quy mô và vai trò vốn có. Các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ còn chậm ban hành và thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán.

Về phía doanh nghiệp, một thực tế khó né tránh là năng lực tổ chức sản xuất và công nghệ kỹ thuật của phần lớn doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước còn yếu.

Xét riêng tại Đồng Nai, 5 năm qua, công nghiệp hỗ trợ đã có bước phát triển ấn tượng với tỷ lệ dự án đầu tư vào ngành này tăng cao. Tuy nhiên, vẫn cần một chính sách có tính liên kết cấp vùng, chẳng hạn chính sách đặc thù cho ngành công nghiệp hỗ trợ Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, để có sự liên kết, hợp tác, chia sẻ giá trị giữa các doanh nghiệp trong vùng, từ đó phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ căn cơ hơn trên diện rộng. Ngoài ra, còn cần đến những chính sách hết sức cụ thể “nhắm” thẳng vào các khó khăn nội tại của doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ như: vốn, công nghệ, đào tạo nhân lực, kết nối thị trường… để giúp doanh nghiệp trong ngành vượt qua được những yếu kém nội tại và phát triển mạnh mẽ hơn, tạo đà cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong thời hội nhập.

Vi Lâm

Tin xem nhiều