Một tuần nay, "thủ phủ" nuôi heo Đồng Nai xôn xao bởi giá heo hơi "nhảy" còn hơn giá chứng khoán. Chỉ trong ngày 15-7, giá heo hơi tăng 4 lần; giá buổi sáng là 36,5 ngàn đồng/kg, cuối ngày đã bị đẩy lên mức 45 ngàn đồng/kg.
Một tuần nay, “thủ phủ” nuôi heo Đồng Nai xôn xao bởi giá heo hơi “nhảy” còn hơn giá chứng khoán. Chỉ trong ngày 15-7, giá heo hơi tăng 4 lần; giá buổi sáng là 36,5 ngàn đồng/kg, cuối ngày đã bị đẩy lên mức 45 ngàn đồng/kg.
Nguyên nhân là do thị trường Trung Quốc đã bắt đầu “ăn” hàng trở lại sau nhiều tháng “xập xình” khiến giá heo hơi chạm đáy, người nuôi lao đao. Thế mới biết, thị trường heo thịt nói riêng và nông sản nói chung lệ thuộc nặng nề vào thị trường Trung Quốc ra sao, dù hầu hết đều xuất qua đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, thị trường này liệu sẽ “ăn” bao nhiêu heo thịt và có lâu dài hay không, vẫn là câu hỏi lớn. Phía cơ quan chức năng liên quan đến lĩnh vực này đưa ra một số nhận định, trong đó có ý kiến cho rằng heo xuất ra phía Bắc vẫn là heo thịt trọng lượng dưới 100kg và đang chờ vỗ béo để xuất sang Trung Quốc, còn số lượng xuất thực sự vẫn chưa nhiều. Về nhu cầu trong nước, các chợ đầu mối tiêu thụ heo Đồng Nai gần như không thay đổi gì so với bình thường.
Giá heo tăng mạnh, song người nuôi heo nhỏ lẻ không hưởng lợi nhiều vì hầu như đàn heo thịt đã bán tống bán tháo với giá rẻ từ nhiều tháng nay do không chịu nổi chi phí. Điều đáng lo ngại là giá heo giống ngay lập tức tăng mạnh do một số người nuôi heo có ý định tái đàn.
Nói đến chuyện tái đàn hay tăng đàn, lại một lần nữa phải bàn đến chuyện đầu ra. Với những trang trại lớn có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, chuyện tái đàn là chuyện tính toán đầu tư trong phạm vi kiểm soát, song với những trang trại hoặc hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đầu ra phụ thuộc thương lái hoàn toàn thì cần cân nhắc kỹ. Cho đến giờ này, mặc dù hàng chục năm xuất heo đi Trung Quốc nhưng hầu như chưa có cá nhân, tổ chức nào nắm vững được thông tin của thị trường này, dù là cơ bản. Những câu hỏi cốt lõi, như: thị trường Trung Quốc cần bao nhiêu con heo thịt? Yêu cầu phẩm chất ra sao? Thời điểm này có quốc gia hoặc vùng nào cạnh tranh hay không… để có những phương án tái đàn, tăng đàn hay giảm đàn hợp lý. Cách đây không lâu, Chính phủ cũng đã nỗ lực tìm tiếng nói chung với thị trường Trung Quốc để có thể đi đến phương án xuất khẩu nông sản chính ngạch sang thị trường này, song đến lúc này vẫn chưa có gì mới so với trước.
Câu chuyện tìm đầu ra là câu chuyện dài hơi, trong khi những bức bách về chuyện làm ăn, chuyện cuộc sống vẫn diễn ra hàng ngày, đặt người nuôi heo nói riêng và nông dân nói chung vào tình thế “có làm thì mới có ăn”. Song, những bài học mang tên “giải cứu” đã cho thấy sự tai hại của việc ào ạt đầu tư mà chưa nắm rõ đầu ra. Ngay lúc này, nông dân nuôi heo cả nước cần những tiếng nói chính thức từ phía Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành liên quan để có được những khuyến cáo chính danh, các thông tin về giá cả cũng cần được phân tích rõ ngọn ngành để nông dân có những hướng đi lâu dài hơn, thay vì những quyết định đầu tư cảm tính nhất thời.
Vi Lâm