Báo Đồng Nai điện tử
En

Quan trọng là thực thi

10:04, 09/04/2017

Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành. Theo đó, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành. Theo đó, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ở Việt Nam, tham nhũng đã được vạch mặt, chỉ tên, được xem là “quốc nạn”, là “giặc nội xâm”. Thế nhưng, lãng phí thì hình như vẫn còn được “châm chước”. Trên thực tế, lãng phí gây ra thiệt hại rất lớn, nhiều khi còn hơn cả tham nhũng. Tham nhũng và lãng phí xét đến cùng cũng là “bà con họ hàng” của nhau, bởi đều có tác hại vô cùng lớn, gây thất thoát nguồn lực rất lớn cho quốc gia. Nhiều khi từ lãng phí dẫn đến tham nhũng chỉ là một chặng đường ngắn.

Lãng phí cùng với tham nhũng thật sự đe dọa sự tồn vong của chế độ khi hàng ngày, hàng giờ bào mòn dần niềm tin của nhân dân đối với chế độ. Tham nhũng của công trong một số trường hợp có thể còn được thu hồi. Theo báo cáo về phòng, chống tham nhũng trong tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, số tiền thu hồi được của các vụ án tham nhũng được phát hiện là 5 ngàn/60 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 8%. Tuy nhiên, lãng phí nhiều khi lại “vô hình, vô ảnh” và trở thành “bóng chim tăm cá biết đâu mà tìm”.

Đã có bao nhiêu “đại dự án” ngàn tỷ bỏ hoang, bao nhiêu công trình được đầu tư xây dựng từ những đồng tiền thuế mồ hôi nước mắt của người dân đã “trơ gan cùng tuế nguyệt”? Hàng loạt những đại dự án dạng này đã được nêu lên trong nghị trường Quốc hội, mới thấy sức tàn phá khủng khiếp của lãng phí: Nhà máy đạm Ninh Bình đầu tư với số vốn 12 ngàn tỷ đồng, 4 năm đi vào hoạt động lỗ gần 2 ngàn tỷ đồng/năm; Nhà máy xơ sợi Đình Vũ đầu tư 7 ngàn tỷ đồng nhưng đã ngưng hoạt động; dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng cũng đã dừng hoạt động; dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trên 8 ngàn tỷ đồng vẫn chưa hoạt động sau 10 năm triển khai…

Đó chỉ là những đại dự án đã bị “vạch mặt, chỉ tên”, câu hỏi tiếp theo là còn bao nhiêu đại dự án dạng này nhưng chưa được lôi ra ánh sáng? Và đó cũng mới chỉ là những đại dự án thất thoát lãng phí ngàn tỷ, còn hàng trăm, hàng ngàn kiểu lãng phí khác đang mỗi ngày bào mòn, gặm nhấm nguồn lực của quốc gia từ các lễ hội, khai trương, động thổ, xe công, văn phòng phẩm, điện nước, mua sắm tài sản về đắp chiếu; lãng phí thời gian, lãng phí cả nguồn khổng lồ để nuôi một bộ máy có những người “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”…

Một chương trình hành động của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được ban hành rất cụ thể, đầy đủ và chi tiết đến từng nội dung, từng hành vi. Thế nhưng, lãng phí xưa nay hình như là căn bệnh “thâm căn cố đế” đến nỗi đã có Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhưng quá trình tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát và chế tài chưa đủ mạnh nên chưa trị dứt được “căn bệnh” này.

Ngọc Anh

Tin xem nhiều