Những ai đã từng xem vở cải lương kinh điển Tiếng trống Mê Linh hẳn không thể quên chi tiết mở màn: người dân tập trung về Đền Hùng làm lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, bị quân nhà Hán đang đô hộ đất nước cản ngăn, suýt dẫn đến bạo động, nữ tướng Trưng Trắc chủ trương "nén giận nhỏ để làm nên việc lớn, dựng cơ đồ nước Việt dài lâu".
Những ai đã từng xem vở cải lương kinh điển Tiếng trống Mê Linh hẳn không thể quên chi tiết mở màn: người dân tập trung về Đền Hùng làm lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, bị quân nhà Hán đang đô hộ đất nước cản ngăn, suýt dẫn đến bạo động, nữ tướng Trưng Trắc chủ trương “nén giận nhỏ để làm nên việc lớn, dựng cơ đồ nước Việt dài lâu”.
Tất nhiên, sân khấu có thể hư cấu, nhưng chắc chắn rằng nghi thức giỗ Tổ Hùng Vương đã xuất hiện từ rất lâu đời, sau này được công nhận là một trong những ngày quốc lễ của nước ta. Từ đời nhà Lý trở đi, các triều đại phong kiến Việt Nam đều có sắc chỉ giao cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái Đền Hùng, làm giỗ Tổ vào ngày 10-3 âm lịch. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO công nhận là “kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể đại diện của nhân loại” vào năm 2012. Cho đến nay, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có sức sống lâu bền và tạo sự lan tỏa sâu rộng nhất trong cộng đồng.
Khẳng định giá trị của Tổ Hùng Vương, người Việt Nam cũng tự hào với dòng dõi “con rồng, cháu tiên” với lịch sử 4 ngàn năm dựng nước và giữ nước. Đã có những lý thuyết đưa ra sự hoài nghi về thời gian 4 ngàn năm. Cũng có những người cố ra sức chứng minh rằng Hùng Vương có nguồn gốc từ... Trung Quốc. Trong khi về mặt lịch sử, những lý thuyết trên chưa có chứng cứ khoa học, chỉ mới dừng lại ở phỏng đoán, suy diễn, còn về mặt văn hóa, tất cả những điều đó hoàn toàn không có ý nghĩa. Người Việt tự hào vì có chung Quốc tổ, giỗ Tổ Hùng Vương là hình thức bày tỏ lòng thành kính, sự tri ân công đức các vua Hùng đã dày công dựng nước Văn Lang, nhắc nhở nhau “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” như lời dạy của Bác.
Đất nước hội nhập, thế giới toàn cầu hóa, người Việt tỏa đi muôn phương. Nhưng dù ở đâu, những tấm lòng Việt vẫn không quên hướng về cội nguồn, mà hình thức phổ biến nhất là thờ vọng Quốc tổ ở quê mới. Hàng trăm đền thờ Quốc tổ Hùng Vương đã theo chân người xa quê xuất hiện ở cả trong và ngoài nước. Đồng Nai với lịch sử hình thành gần 320 năm có 3 đền thờ liên quan đến Quốc tổ, trong đó 2 đền thờ được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngày giỗ Quốc tổ không phải ai cũng có điều kiện đến di tích gốc, nên đền thờ ở các địa phương khác đều có các hoạt động lễ, hội như Đền Hùng ở Phú Thọ và được người dân địa phương tham gia, hưởng ứng. Cho thấy, cốt lõi của thờ Quốc tổ là ở chữ tâm trong lòng mỗi người dân Việt.
Những ngày này, càng gần đến lễ giỗ Tổ, dòng người kéo nhau về đất tổ Phú Thọ ngày càng đông, kéo theo đó là tình trạng chen lấn, mất an ninh trật tự, hàng quán buôn bán chặt chém, mê tín dị đoan... Việc tổ chức lễ hội là cần thiết, nhưng nếu quản lý không tốt để xảy ra các hành vi, ứng xử phản cảm sẽ để lại dấu ấn không tốt đối với xã hội, làm giảm đi tính thiêng của di tích, tín ngưỡng. Mới đây, một cá nhân cung tiến “hòn đá lạ” vào Đền Hùng; trước đó, là bánh chưng, bánh giầy “khủng” lập kỷ lục guinesse được dâng cúng, khi xẻ ra thì bánh đã thiu thối, độn mút xốp… khiến cả xã hội bức xúc, bởi việc thờ cúng đã bị chen vào các yếu tố lợi ích, háo danh mà thiếu đi yếu tố quan trọng nhất là thực tâm. Trong dòng người viếng Quốc tổ, có không ít kẻ mang tâm tư thực dụng, chỉ cầu phù hộ thăng quan tiến chức, giàu có phát đạt.
Lễ giỗ Quốc tổ không cần hào nhoáng, không phải ở sự đông đúc, mà cần tấm lòng thực của mỗi người.
HÀ LAM