Bài phát biểu tại hội nghị toàn quốc công tác dân vận ngày 27-5 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng tình, hưởng ứng của đông đảo đảng viên, nhân dân trong cả nước, bởi bài phát biểu đã thẳng thắn chỉ ra những sai lầm và khuyết điểm đã và đang làm tổn thương thanh danh, uy tín của Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Xuyên suốt bài phát biểu là một chân lý vĩnh hằng: Dân là gốc của nước.
Bài phát biểu tại hội nghị toàn quốc công tác dân vận ngày 27-5 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng tình, hưởng ứng của đông đảo đảng viên, nhân dân trong cả nước, bởi bài phát biểu đã thẳng thắn chỉ ra những sai lầm và khuyết điểm đã và đang làm tổn thương thanh danh, uy tín của Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Xuyên suốt bài phát biểu là một chân lý vĩnh hằng: Dân là gốc của nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định dân là gốc là bài học đã được rút ra từ chiều sâu của lịch sử. Tổng Bí thư cũng không quên nhắc lại: “Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định; vương triều nào được lòng dân, cố kết được nhân tâm thì làm nên nghiệp lớn; trái lại, vương triều nào ngược lòng dân thì sớm muộn cũng sẽ bị thất bại”.
Nhìn lại lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc Việt, không khó để nhận ra chân lý này luôn được thể hiện một cách sáng rõ. Việt Nam ở gần một đế chế lớn. Không như nhiều quốc gia ở xung quanh đã bị sáp nhập vào lãnh thổ Trung Quốc, tổ tiên dân tộc Việt đã cương cường anh dũng bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia, dân tộc để trao truyền lại cho con cháu hôm nay. Cũng bởi hàng ngàn năm phải chống chọi với ngoại xâm đô hộ, cha ông chúng ta đã thấu hiểu chân lý đơn giản rằng: sức mạnh vĩ đại nhất là lòng dân chứ không phải ở vũ khí tối tân hay ở thành cao, hào sâu. Vì lẽ ấy, trong suốt chiều dài lịch sử - tuy cũng có lúc này, lúc khác - nhiều triều đại đã ban hành và thực thi những chính sách an dân, chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân. Lịch sử sẽ không bao giờ quên lời căn dặn của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn với vua Trần trước khi ngài qua đời: “Xin bệ hạ hãy khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”. Hiểu, chia sẻ nỗi khổ sâu sắc với nhân dân của mình, Nguyễn Trãi suốt đời tâm niệm “Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”, “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Khi được giao soạn nhạc cho triều đình, Nguyễn Trãi đã tâu vua hãy thương yêu nhân dân, chăm lo cho nhân dân để “trong thôn cùng xóm vắng không còn một tiếng hờn giận oán sầu” và ông cho rằng, đó chính là gốc của nhạc. Bác Hồ, Bác Tôn cả đời sống giản dị, thanh bạch, thanh cao đã để lại một tấm gương đạo đức sáng ngời…
Điều gì đã và đang làm dân xa Đảng, làm xói mòn niềm tin của nhân dân với Đảng như Tổng Bí thư đã cảnh báo? Điều này Đảng đã nhận ra, đã chỉ rõ trong nhiều nghị quyết, đã và cũng đang làm khẩn trương, quyết liệt để làm trong sạch đội ngũ. Trong nhiều nguyên nhân của những khuyết tật hiện nay, có một nguyên nhân sâu xa mà Tổng Bí thư đã chỉ ra, đó là xa dân, khinh dân, không tin ở dân. Xa dân, khinh dân nên không hiểu mong muốn của nhân dân, không chăm lo đáp ứng lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Chính bởi vậy mà nhiều chính sách được ban hành và thực thi không như lòng dân mong muốn. Trong khi đa phần người dân, nhất là những người lao động còn cực nhọc, vất vả thì lại có một bộ phận những người có chức, có quyền có lối sống xa hoa, lãng phí.
Tổng Bí thư đã chỉ đúng “bệnh”, đã bắt đúng “bệnh”. Việc còn lại là sẽ “cắt thuốc” như thế nào. Bốc thuốc rồi liệu “con bệnh” có chịu uống hay không. Uống thuốc rồi ai dám chắc thuốc kia không giả. Trước đòi hỏi bức thiết của đất nước hôm nay, lại vang lên lời thúc giục khẩn thiết. đó là đội ngũ cán bộ, đảng viên hãy trở về với cái “nôi” mà mình đã sinh ra, đã lớn lên trong sự chở che, đùm bọc ấy: NHÂN DÂN. Hãy trở về với NHÂN DÂN. Xin được mượn lời một vị quan triều Lê mạt rằng: “Nước lấy dân làm gốc, nước bình yên xin hãy để dân yên. Dân lấy nước làm lòng, khi có việc dân sẽ ra gánh vác”.
Như Ái