Có lẽ chưa bao giờ tiểu thương bán cá biển và hải sản tại chợ đầu mối thủy hải sản Hóa An nói riêng và tiểu thương bán cá ở các chợ trong tỉnh Đồng Nai nói chung, lại gặp nhiều khó khăn như giai đoạn này.
Có lẽ chưa bao giờ tiểu thương bán cá biển và hải sản tại chợ đầu mối thủy hải sản Hóa An nói riêng và tiểu thương bán cá ở các chợ trong tỉnh Đồng Nai nói chung, lại gặp nhiều khó khăn như giai đoạn này.
Từ sau sự cố cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung, gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, người tiêu dùng Đồng Nai tạm ngưng ăn cá biển và các loại hải sản, mặc dù hầu hết nguồn cá và hải sản tại Đồng Nai không đến từ những “điểm nóng” nói trên.
Giá cá biển và các loại hải sản khác tại chợ đầu mối Hóa An (TP.Biên Hòa) hơn một tháng qua liên tiếp giảm và mức giảm khá sâu, từ 5-20 ngàn đồng/kg. Giá giảm mạnh nhưng sức mua lại rất yếu, chỉ bằng 30-40% so với hồi cuối tháng 4-2016 do người tiêu dùng ngừng mua. Không chỉ khách lẻ, nhiều vựa cá cho biết các công ty, trường học, cơ quan nhà nước… cũng tạm ngưng hợp đồng mua cá cung cấp cho bữa ăn hàng ngày của nhân viên để nghe ngóng thêm thông tin. Phản ứng của người tiêu dùng thực ra cũng không có gì lạ. Khi nghe thông tin không tốt về chất lượng thực phẩm, đầu tiên họ sẽ dừng ăn để nghe ngóng tiếp, điều này diễn ra không phải chỉ với cá biển mà còn diễn ra với thịt heo, rau củ quả, trái cây… hay những loại hàng hóa khác thiết thân với đời sống hàng ngày của họ.
Theo Ban quản lý chợ Hóa An, cá biển, hải sản bán tại chợ đầu mối Hóa An được các chủ vựa mua từ các vùng biển lân cận, như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Phan Thiết, Khánh Hòa, Kiên Giang… Từ trước đến nay, nguồn hải sản bán tại chợ Hóa An chưa khi nào mua từ các tỉnh xa như Hà Tĩnh hay Quảng Bình. Chợ Hóa An là chợ cá đầu mối cung cấp cho các chợ khác ở Biên Hòa và các vùng lân cận. Việc người tiêu dùng lo ngại, ngừng mua cá và hải sản làm ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh của nhiều tiểu thương bán hải sản tại chợ Hóa An và nhiều chợ khác trong tỉnh.
Hiện tại, cá đã ngưng chết ở các vùng biển xảy ra sự cố, ngư dân bắt đầu trở lại với biển. Trong một diễn biến khác, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cũng đã công bố rõ ràng chất lượng muối biển ở các vùng biển có cá chết hoàn toàn đạt chuẩn. Tại các chợ ở Đồng Nai, sau rất nhiều nỗ lực làm rõ thông tin về nguồn gốc cá và hải sản bán tại Đồng Nai, lượng người tiêu dùng mua cá biển và hải sản đã tăng trở lại. Một số đơn vị, doanh nghiệp cũng đặt hàng cá biển, tôm, mực… cho bữa ăn hàng ngày của nhân viên. Tuy lượng tiêu thụ chưa thể quay về mức ban đầu như trước khi xảy ra sự cố, nhưng cũng đã bằng khoảng 60% so với trước, và như nhiều tiểu thương tâm sự, họ “mừng muốn khóc”, nhẹ bớt gánh nặng mưu sinh hàng ngày.
Sự cố cá chết và những ảnh hưởng to lớn của nó cho thấy thông tin nào cũng có nhiều khía cạnh. Lựa chọn là của người mua, tuy nhiên cũng cần tìm hiểu, cân nhắc để không góp tay đẩy tiểu thương và ngư dân khắp cả nước vào cảnh khó khăn. Bởi cùng với việc cá ế trên các chợ là những khó khăn chồng chất cho những ngư dân trên các vùng biển khắp cả nước, vì khi không tiêu thụ được hải sản, thậm chí họ phải ngừng đi biển. Ngư dân ngưng đi biển, không chỉ là chuyện cá ế, cũng không chỉ là một dấu hiệu xấu của kinh tế hay môi trường, mà sâu xa hơn, hình ảnh những vùng biển vắng bóng ngư dân là những hình ảnh rất không tốt cho cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Vi Lâm