Báo Đồng Nai điện tử
En

Bữa cơm công nhân

10:11, 23/11/2015

Với mức lương tối thiểu năm 2015, người lao động ở vùng I chỉ lãnh 3,1 triệu đồng/tháng quả là thấp so với vật giá trên thị trường leo thang, diễn biến liên tục; còn lương tối thiểu vùng II, vùng III và vùng IV còn thấp hơn.

Thu nhập của người lao động cho đến nay vẫn còn khá khiêm tốn so với nhu cầu chi tiêu hàng ngày là điều thực tế đối với phần đông công nhân ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Với mức lương tối thiểu năm 2015, người lao động ở vùng I chỉ lãnh 3,1 triệu đồng/tháng quả là thấp so với vật giá trên thị trường leo thang, diễn biến liên tục; còn lương tối thiểu vùng II, vùng III và vùng IV còn thấp hơn.

Để có thêm thu nhập, phần lớn công nhân rất “thích” tăng ca, dù mồ hôi công sức họ bỏ ra không phải ít. Chính vì vậy, người lao động buộc phải “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm tối đa mới đủ sống hoặc dư được chút ít gửi về cho gia đình ở quê nhà. Cho nên, không ít người gợi ý, muốn tường tận đời sống công nhân lao động ra sao, cứ xem họ ăn cơm nhà sẽ rõ.

Phải nói rằng, bữa cơm hàng ngày ở nhà của hầu hết người lao động quá đạm bạc vì chủ yếu là rau, củ; còn thịt, cá may ra vào dịp lãnh lương họ mới dám bỏ tiền ra mua để bù đắp, tái tạo sức lao động. Đây chính là điều đáng lo ngại về tình trạng bữa ăn thiếu dưỡng chất của đời sống công nhân. Mới đây, đề cập về sức khỏe, thể trạng của người lao động cả nước nói chung, lãnh đạo Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết đa phần chất lượng bữa ăn của công nhân kém chất dinh dưỡng, thậm chí mất cân đối. Trong đó, năng lượng khẩu phần ăn chỉ có 12% là protein (chất đạm), 16% chất béo, còn lại là các chất bột, đường như: gạo, bắp, khoai… Do ăn uống thiếu chất bổ, trong khi lao động cật lực nên sức lực người lao động bị giảm sút. Nếu kéo dài tình trạng này, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến những thế hệ sau.

Ngày 14-11-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 122/2015/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động. Theo đó, kể từ ngày 1-1-2016 mức lương tối thiểu vùng được áp dụng năm 2016 cao hơn mức lương hiện nay từ 250 ngàn đồng/tháng (vùng IV), và 400 ngàn đồng/tháng (vùng I). Có thể nói, việc Nhà nước quyết định tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2016 cho thấy sự ghi nhận công lao của đội ngũ công nhân lao động trước sự nghiệp phát triển của đất nước; phù hợp với môi trường lao động và đời sống của người lao động. Dù mức lương tối thiểu vùng năm 2016 tăng chưa nhiều, song người lao động đã có thể mừng thầm vì cải thiện được phần nào cuộc sống.

Chiếm khoảng 33% tổng số lao động và 17% dân số cả nước, nhưng đội ngũ công nhân thời gian qua đã đóng góp hơn 60% tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% ngân sách nhà nước. Điều này cho thấy, việc chăm lo đời sống công nhân lao động, tăng lương tối thiểu vùng là cần thiết. Ở Đồng Nai, các địa phương: Biên Hòa, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu được hưởng lương vùng I; Long Khánh, Định Quán, Xuân Lộc thuộc vùng II; các huyện còn lại thuộc vùng III. Hy vọng sang năm mới 2016, công nhân lao động sẽ bớt cơ cực hơn, ít nhất là bữa ăn hàng ngày.

TẠ NGUYÊN

Tin xem nhiều