Ông Trương Bảo Việt, một người dân ở huyện Định Quán, nhưng lại thành lập một cơ sở chuyên bán gạo sạch tại TP.Hồ Chí Minh, chia sẻ thấy nông dân trồng lúa theo mô hình cánh đồng chất lượng cao gặp khó khăn về đầu ra, ông đã thành lập Cơ sở Việt Quý (TP.Hồ Chí Minh) chuyên cung cấp gạo an toàn để gỡ khó cho bà con.
Ông Trương Bảo Việt, một người dân ở huyện Định Quán, nhưng lại thành lập một cơ sở chuyên bán gạo sạch tại TP.Hồ Chí Minh, chia sẻ thấy nông dân trồng lúa theo mô hình cánh đồng chất lượng cao gặp khó khăn về đầu ra, ông đã thành lập Cơ sở Việt Quý (TP.Hồ Chí Minh) chuyên cung cấp gạo an toàn để gỡ khó cho bà con. Song, khi thử đi chào hàng tại các đại lý gạo, ông đã bị từ chối vì sản phẩm sạch không có độ bóng, mùi thơm như nhiều loại gạo khác trên thị trường. Hạn sử dụng cũng ngắn hơn vì không có chất bảo quản. Anh Việt đành giới thiệu sản phẩm trên facebook, đối tượng khách hàng chủ yếu vẫn là những người quen, bạn bè biết về sản phẩm.
Câu chuyện bán gạo của ông Việt cũng là câu chuyện bán rau, cá, thịt, trái cây sạch của hàng ngàn người khác. Sản xuất sạch không khó, nhưng tiêu thụ lại khó, dù người tiêu dùng hiện tại đã quá “khiếp hãi” với những hậu quả trước mắt lẫn lâu dài của nông sản nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng; cá tôm có dư lượng kháng sinh cao, heo có chất tạo nạc… Câu hỏi là: Người tiêu dùng và nhà sản xuất, ai thực sự phải chịu trách nhiệm với bữa ăn sạch hàng ngày?
Nếu chỉ nhìn góc độ quyền lợi người tiêu dùng, thì có vẻ nhà sản xuất đang thiếu sòng phẳng khi sản xuất hàng hóa, bán lấy tiền mà lại không đảm bảo độ sạch, độ an toàn của sản phẩm. Song, lại một câu hỏi khác: Người tiêu dùng sẵn sàng trả bao nhiêu tiền để mua sản phẩm sạch? Khảo sát cho thấy, giá thực phẩm được chứng nhận là sạch, hữu cơ bao giờ cũng cao hơn thực phẩm thông thường ít nhất 20-30%. Vì sao? Quy trình đầu tư tốn kém hơn, hạn sử dụng ngắn hơn, hao hụt nhiều hơn, năng suất thường thấp hơn những loại sản phẩm bị “thúc” bằng thuốc… chưa kể nhiều loại chi phí khác, đó là nguyên nhân khiến giá thành sản phẩm sạch cao hơn. Sản xuất hàng sạch đúng là không khó, nhưng để bán được hàng, có lợi nhuận và tồn tại lại là chuyện khác. Trong bối cảnh nông sản Trung Quốc tràn ngập, giá từ rẻ đến rất rẻ và nông dân trong nước phải tìm mọi cách để giảm giá thành và tồn tại, thì người tiêu dùng muốn thực phẩm sạch, buộc phải trả nhiều tiền hơn.
Hiện tại, đáng mừng là một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã quan tâm đến thị trường thực phẩm sạch bằng cách đầu tư lớn, bài bản trong trồng trọt, chăn nuôi. Họ nhìn thấy tương lai của nông sản sạch và quyết định bỏ vốn. Thực tế, chỉ khi chi phí sản xuất giảm (điều này chỉ có thể làm được khi ứng dụng sản xuất ở quy mô lớn) thì giá bán nông sản sạch mới có thể giảm theo, và người tiêu dùng không còn đắn đo khi mua sản phẩm thì bài toán thực phẩm sạch mới có thể giải quyết được tận gốc. Mong rằng sau Vingroup, Hòa Phát Group, Hoàng Anh Gia Lai… sẽ có nhiều doanh nghiệp mạnh vốn, đủ khả năng đầu tư sản xuất lớn và xây dựng hệ thống phân phối, tham gia vào thị trường này. Bởi sản xuất, tiêu thụ thực phẩm bẩn chính là tội ác.
VI LÂM