Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiện ích nhưng vẫn băn khoăn

10:09, 09/09/2015

Theo số liệu của ngành giáo dục, năm học 2014-2015, toàn tỉnh có 14,9% trường tiểu học có 100% số lớp học 2 buổi/ngày; 43,38% trường có một số lớp học 2 buổi/ngày và 27,8% học sinh được học 2 buổi/ngày.

Theo số liệu của ngành giáo dục, năm học 2014-2015, toàn tỉnh có 14,9% trường tiểu học có 100% số lớp học 2 buổi/ngày; 43,38% trường có một số lớp học 2 buổi/ngày và 27,8% học sinh được học 2 buổi/ngày.

Riêng TP.Biên Hòa, có 57 trường tiểu học nhưng chỉ có 18 trường tổ chức được học 2 buổi/ngày với tổng số 237 lớp và tổng số học sinh 8.410/77.412 học sinh, trong đó chỉ  5 trường có 100% số lớp học 2 buổi với 2.228 học sinh.  Cơ sở vật chất chưa đảm bảo để các trường thực hiện việc dạy và học 2 buổi/ngày đã khiến cho hàng ngàn học sinh rơi vào tình cảnh không biết gửi ở đâu để cha mẹ an tâm đi làm. Và mô hình bán trú nhà giáo viên ra đời như một cứu cánh cho tình trạng thiếu trường lớp hiện nay ở một đô thị loại II như TP.Biên Hòa.

Không thể phủ nhận những tiện ích mà mô hình bán trú nhà giáo viên đem lại, như vừa giúp phụ huynh trông nom trẻ sau một buổi chính học ở trường, vừa cho ăn uống, ngủ nghỉ và ôn lại bài học trên lớp... Nhiều trẻ đã học được tính tự lập khi sống trong môi trường bán trú này. Chính vì vậy, với nhiều phụ huynh, lựa chọn việc gửi con ở nhà giáo viên là giải pháp hữu hiệu nhất. 

Tuy nhiên, không phải là không còn những băn khoăn với mô hình bán trú nhà giáo viên, bởi mặc dù để tăng cường quản lý, nhiều năm nay Phòng GD-ĐT Biên Hòa đã yêu cầu tất cả giáo viên tiểu học có tổ chức dạy bán trú ở nhà đều phải đăng ký và cam kết thực hiện một số quy định nhưng thật khó kiểm soát hoạt động này. Trong đó, đáng lo ngại nhất vẫn là tình trạng phòng ốc ăn ở, học tập, vệ sinh của học sinh còn chật chội; chất lượng các bữa ăn khó đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Không ít phụ huynh còn tỏ ra lo lắng khi đã xảy ra những vụ tai nạn hay xâm hại trẻ em ngay tại nhà giáo viên ở TP.Biên Hòa cách đây chưa lâu.

Rõ ràng, chức năng quản lý những nhóm trẻ đang học bán trú nhà giáo viên thuộc về ngành GD-ĐT mà trực tiếp là các trường có giáo viên tổ chức dạy học bán trú. Thế nhưng thật khó để công tác này thực hiện được thường xuyên mà chủ yếu trông chờ vào lương tâm và trách nhiệm của giáo viên, bởi nói như hiệu trưởng một trường tiểu học: “Dù giáo viên có đăng ký với nhà trường về việc dạy bán trú và khai những nội dung có liên quan theo quy định nhưng chúng tôi không thể đi kiểm tra hết được”.

Trong khi chờ thành phố có thêm những ngôi trường mới đảm bảo việc dạy 2 buổi/ngày thì mô hình bán trú nhà giáo viên vẫn là mô hình thiết thực, giải quyết được nhu cầu gửi trẻ rất lớn của phụ huynh, nhất là trong điều kiện thiếu trầm trọng những địa chỉ mà học sinh có thể  vui chơi hay học tập năng khiếu sau thời gian đến lớp. Tuy nhiên, để giảm bớt những lo lắng cho phụ huynh, cần lắm sự chung tay của giáo viên và nhà trường trong việc tổ chức dạy và học bán trú để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát cũng phải được thực hiện thường xuyên hơn nữa nhằm kịp thời chấn chỉnh những lớp học, điểm giữ trẻ không đảm bảo điều kiện hoạt động.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều