Những ngày này, trong không khí rộn rịp mừng Ngày Quốc khánh 2-9, cả nước cũng diễn ra nhiều hoạt động tưởng nhớ 46 năm ngày Bác Hồ đi xa. Với học sinh, dịp đầu tháng 9 hàng năm lại gắn liền với sự kiện lớn của ngành GD-ĐT: khai giảng năm học mới.
Những ngày này, trong không khí rộn rịp mừng Ngày Quốc khánh 2-9, cả nước cũng diễn ra nhiều hoạt động tưởng nhớ 46 năm ngày Bác Hồ đi xa. Với học sinh, dịp đầu tháng 9 hàng năm lại gắn liền với sự kiện lớn của ngành GD-ĐT: khai giảng năm học mới.
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến thanh thiếu niên, nhi đồng. Viết Di chúc trước lúc về với “thế giới người hiền”, Bác không quên “để lại muôn vàn tình thân yêu cho các cháu thanh niên và nhi đồng”.Tháng 9-1945, dịp khai giảng năm học mới đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, dù công việc điều hành một đất nước non trẻ còn lắm bộn bề, Bác đã gửi thư cho học sinh cả nước - bức thư đầu tiên của vị Chủ tịch nước nhắn nhủi đến thế hệ tương lai. Trong thư Bác dặn dò: Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, đó là nhờ sự hy sinh của biết bao nhiêu đồng bào. Sau 80 năm trời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều.
Trong nỗ lực thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, ngành GD-ĐT đã mạnh dạn thực hiện nhiều cuộc cải cách từ chuyên môn cho đến quản lý. Theo đó, mục tiêu của năm học mới 2015-2016 là “lấy học sinh làm trung tâm trong dạy và học”. Để thực hiện mục tiêu này, nhiều giải pháp đã được đưa ra, như: nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên, đổi mới phương pháp dạy - học theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự học; tăng cường các hoạt động hướng ngoại, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh.
Theo mong muốn của Bác Hồ, dù có những cải cách, đổi mới hay đưa ra bất kỳ giải pháp nào, thì mục tiêu hàng đầu của ngành GD-ĐT vẫn là dạy tốt - học tốt. Trong đó học sinh phải là chủ thể chủ động, tích cực, hướng đến phát huy vai trò, chức năng của học sinh trong quá trình dạy và học chứ không chỉ là trung tâm. Học sinh cũng cần phải nhận thức được rằng nhiệm vụ học tập không chỉ để có bằng cấp, mà phải tích lũy kiến thức và đưa ra ứng dụng trong đời sống xã hội để phụng sự nước nhà.
Bước vào lễ khai giảng năm học mới, càng thấm thía với lời dặn dò của Bác Hồ về vai trò, vị trí của thế hệ tương lai: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Hà Lam