Báo Đồng Nai điện tử
En

Xin lỗi, sửa sai đâu quá khó

10:08, 02/08/2015

Khoảng tháng 3-2015, dư luận tại địa phương cũng như cả nước đã "xôn xao" khi các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin về việc chính quyền huyện Nhơn Trạch gửi 409 thư xin lỗi đến người dân do trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ.

Khoảng tháng 3-2015, dư luận tại địa phương cũng như cả nước đã “xôn xao” khi các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin về việc chính quyền huyện Nhơn Trạch gửi 409 thư xin lỗi đến người dân do trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ. Bên cạnh ý kiến hoan nghênh lối ứng xử văn hóa, tinh thần trách nhiệm và sự cầu thị của UBND huyện Nhơn Trạch, cũng có không ít ý kiến hoài nghi về tính hình thức của động thái xin lỗi nói trên.

Để “trả lời”, chỉ 3 tháng sau chính quyền huyện Nhơn Trạch đã tiến tới triển khai việc nhắn tin qua điện thoại mời người dân, doanh nghiệp đến nhận kết quả giải quyết hồ sơ. Từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 7-2015, hơn 1,6 ngàn hồ sơ trong số 3,2 ngàn hồ sơ thuộc các lĩnh vực đã được UBND huyện nhắn tin mời đến nhận kết quả giải quyết, trong đó nhiều hồ sơ được giải quyết sớm gần một tuần so với quy định.

Trong văn hóa Việt Nam và thế giới nói chung, xin lỗi là một trong những quy tắc ứng xử đã được xã hội con người định hình và công nhận từ rất lâu đời. Trẻ con khi còn rất nhỏ đã được người lớn dạy “xin lỗi”, “cảm ơn”, xem như đó là bài học cơ bản đầu đời trong quá trình hình thành nhân cách. Làm sai thì phải xin lỗi, đó là điều hết sức đương nhiên. Thế nhưng, vì sao việc xin lỗi dân, doanh nghiệp khi giải quyết hồ sơ trễ hẹn của UBND huyện Nhơn Trạch vừa qua lại trở thành một “sự kiện” được giới truyền thông và dư luận của người dân chú ý, và hành vi xin lỗi của cán bộ đối với dân lại trở thành “điểm sáng” đến như vậy? Phải chăng là vì suốt thời gian qua, ở nhiều nơi, giới quan chức, cán bộ công chức - những người đúng ra là công bộc của dân, đã tự cho mình ở vị trí “đứng trên” người dân và việc phục vụ dân đã trở thành sự “ban phát”, thậm chí là cơ hội để nhũng nhiễu, vòi vĩnh, đục khoét của dân. Người dân, từ chủ thể được phục vụ đã trở thành đối tượng “dưới cơ”, lâu dần thành quen nên khi có việc cần đến chính quyền chỉ biết trông vào sự may rủi, trông vào “ơn mưa móc”, đến khi được đối xử theo mức bình thường thì lại thấy đó là điều bất thường, và vui mừng vì điều đáng ra là mình phải được hưởng. Do vậy, để điều “bất thường” nói trên trở lại “bình thường” trong tâm thức người dân và trong vận động xã hội, mô hình “xin lỗi, sửa sai” nói trên cần được nhân rộng ra ở tất cả các bộ phận, cơ quan Nhà nước nhằm củng cố niềm tin của người dân hơn nữa. 

Trở lại sự việc ở UBND Nhơn Trạch, từ việc xin lỗi dân khi cán bộ làm sai cho đến việc nhắn tin mời dân nhận kết quả giải quyết hồ sơ không chỉ nhằm giảm bớt phiền hà, thời gian, công sức của người dân, mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với dân, khẳng định quyền được phục vụ của công dân. Đó chính là hiệu ứng tích cực từ việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay tại địa phương. Cán bộ, đảng viên đã và đang tự phê bình, tự “soi’ lại mình, thể hiện quyết tâm nhận sai và sửa sai bằng những việc làm thiết thực, cụ thể để phục vụ nhân dân tốt hơn. Mô hình này không chỉ cần nhân rộng ra các nơi, mà còn cần được áp dụng ở tất cả các lĩnh vực, để ngày càng khẳng định về bản chất của một nhà nước “của dân, do dân, vì dân”. 

Hà Lam

Tin xem nhiều