Báo Đồng Nai điện tử
En

Mặt trái của quy hoạch

11:07, 27/07/2015

Định hình và phát triển không gian đô thị cần đến quy hoạch. Một số ngành nghề cũng cần quy hoạch: chăn nuôi, thương mại, sản xuất công nghiệp… Bắt buộc phải có quy hoạch.

Định hình và phát triển không gian đô thị cần đến quy hoạch. Một số ngành nghề cũng cần quy hoạch: chăn nuôi, thương mại, sản xuất công nghiệp… Bắt buộc phải có quy hoạch. Tuy nhiên, “treo” chính là mặt trái của quy hoạch mà chính quyền nào cũng đang đau đầu đối phó. Bản thân việc thực hiện quy hoạch ban đầu đã tốn kém nhiều thời gian và công sức, vì quy hoạch chung phải thống nhất với các quy hoạch chuyên ngành. Do đó, thay đổi cũng không dễ dàng.

Một ví dụ gần gũi nhất tại Đồng Nai là khu vực Nhơn Trạch, cách đây nhiều năm đã xây dựng các quy hoạch đại đô thị, kèm theo đó là hàng chục dự án thành phần: khu dân cư, khu du lịch, công viên cây xanh, trung tâm thương mại… Song nhiều năm qua đi, đại đô thị Nhơn Trạch vẫn chưa thành hình, các khu đất quy hoạch dự án treo lơ lửng, nhà đầu tư tháo chạy vì vốn liếng đi vay không chịu đựng nổi với thời gian. Nhưng quy hoạch thì chưa bị xóa. Sau cả chục năm, huyện Nhơn Trạch mới rà soát và đề xuất xin xóa quy hoạch cho dân ở một số các dự án không có khả năng triển khai.

“Quy hoạch treo” là cụm từ mà cả chục năm nay, người dân, đặc biệt người dân đô thị lẫn nông thôn nghe đến là… thấy ngán. Với đất nông nghiệp, người dân không dám trồng cây lâu năm, không tính toán được kế làm ăn lâu dài; với đất đô thị, không dám sửa chữa, cơi nới, xây dựng nhà cửa. Và cả 2 trường hợp, việc sang nhượng mua bán hầu như không thể. Một số địa phương từng cố gắng tháo gỡ bằng cách tạm thời cho người dân sang nhượng đất quy hoạch, tuy nhiên không khả thi vì không người mua nào muốn bỏ tiền mua đất quy hoạch cả.

Cho đến giờ này, nhiều giải pháp nhằm hạn chế những mặt trái của quy hoạch được nhiều nơi đề ra: lo tái định cư sớm để an dân; khoanh vùng hạn chế xây dựng và thông tin rõ ràng; liên tục rà soát các dự án chậm trễ hoặc không có khả năng thực hiện để rút bớt quy hoạch; tiền kiểm khả năng tài chính của nhà đầu tư; chuẩn bị phương án tài chính đối với các dự án do Nhà nước đầu tư, ban hành các chính sách giải quyết phù hợp… Tuy vậy, tình trạng “treo” vẫn diễn ra khắp nơi, dẫn đến người dân khổ sở, khiếu nại dày lên, chính quyền mất thời gian, tiền bạc và công sức để giải quyết.

Quy hoạch vẫn phải làm, đó là điều chắc chắn. Có nơi thực hiện được, có nơi không tùy tình hình thực tế diễn ra sau khi quy hoạch. Nhưng hạn chế “treo” bằng mọi cách là điều mà chỉ chính quyền mới làm được, và cần làm vì để càng lâu, người dân càng kiệt quệ và mệt mỏi về vật chất lẫn tinh thần.

Vi Lâm

Tin xem nhiều