Từ ngày 3-8, học sinh bậc học THCS và THPT trong tỉnh đã tựu trường chuẩn bị cho năm học mới 2015-2016. Ở các trường tiểu học, hồ sơ tuyển sinh đã được bán ra để đón học sinh lớp 1 vào học. Năm học mới đã rộn ràng nhưng đi kèm với đó là nỗi buồn vì rồi đây, những học sinh mới 7, 8 tuổi ở một thành phố công nghiệp phát triển sẽ phải tiếp tục học ca ba hoặc dồn lớp lên đến 60 em/lớp.
Từ ngày 3-8, học sinh bậc học THCS và THPT trong tỉnh đã tựu trường chuẩn bị cho năm học mới 2015-2016. Ở các trường tiểu học, hồ sơ tuyển sinh đã được bán ra để đón học sinh lớp 1 vào học. Năm học mới đã rộn ràng nhưng đi kèm với đó là nỗi buồn vì rồi đây, những học sinh mới 7, 8 tuổi ở một thành phố công nghiệp phát triển sẽ phải tiếp tục học ca ba hoặc dồn lớp lên đến 60 em/lớp.
Có lẽ ít ở đâu như TP.Biên Hòa, liên tục nhiều năm liền học sinh vẫn phải dồn lớp hoặc đi học ca ba để khắc phục tình trạng thiếu trường, thiếu lớp học. Dân số cơ học tăng quá nhanh, nguồn đất đai khan hiếm, công tác đền bù, giải tỏa để xây dựng trường học chậm cùng với việc thiếu nguồn kinh phí đã khiến cho Biên Hòa cứ quẩn quanh với bài toán quá tải. Thậm chí, hiệu trưởng một trường tiểu học thường xuyên phải tổ chức dạy và học ca ba phải thốt lên rằng, nếu không có những giải pháp mạnh, học sinh của trường sẽ phải học cả ca bốn chứ không chỉ ca ba. Còn một số trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia của Biên Hòa đã “ngấp nghé” phá chuẩn vì sĩ số học sinh năm sau tăng hơn năm trước và trường buộc phải “mở cửa” để đảm bảo tất cả học sinh trên địa bàn đều được đến trường.
Theo tính toán của lãnh đạo TP.Biên Hòa, để giảm nhiệt quá tải trường lớp, thành phố cần ít nhất nguồn vốn khoảng 500 tỷ đồng để xây dựng mới 11 trường học, trong đó tập trung chủ yếu ở bậc tiểu học tại những khu dân cư “nóng”, như: Trảng Dài, Long Bình, Long Bình Tân. Dù đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó có kêu gọi xã hội hóa giáo dục, song đến nay tiến độ xây dựng trường, lớp mới ở Biên Hòa vẫn khá ì ạch, khoảng 3-4 trường/năm học, do vậy rất khó để giải quyết dứt điểm tình trạng học sinh phải học ca ba hoặc dồn lớp. Vì thế, năm học 2015-2016 này, thành phố tăng thêm 8,5 ngàn học sinh nhưng chỉ có thêm 37 phòng học mới và còn khoảng 5,7 ngàn học sinh sẽ phải tiếp tục dồn lớp hoặc phải học ca ba.
Trả lời bức xúc của cử tri về tình trạng thiếu trường, lớp học cho học sinh kéo dài nhiều năm, lãnh đạo TP. Biên Hòa không ít lần cam kết sẽ cố gắng giải quyết vấn đề này nhằm đảm bảo tất cả học sinh được tới trường, hạn chế tối đa việc phải học ca ba. Thế nhưng hết năm học này đến năm học khác, điệp khúc thiếu trường, quá tải, dồn lớp, học ca ba vẫn diễn ra khiến người dân tiếp tục lo lắng. Dẫu vẫn biết thành phố đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để từng bước giải quyết thực trạng đáng buồn này, nhưng xem ra vẫn cần những giải pháp mạnh và quyết liệt hơn nữa.
Người dân của nhiều tỉnh, thành khác khi đến thăm Biên Hòa đã phải trầm trồ bởi sự phát triển nhanh và năng động của thành phố. Thế nhưng cũng chính họ đã phải thốt lên: “Bây giờ mà còn học ca ba sao?” khi biết Biên Hòa vẫn còn học sinh phải đến trường ngay giờ nghỉ buổi trưa hay phải chen chúc nhau trong lớp học có đến 60 học sinh/lớp. Đây là nỗi xót xa cho một vấn đề an sinh vẫn được xem là ưu tiên hàng đầu.
Đến bao giờ mới hết ca ba?
Minh Ngọc