Nhu cầu sử dụng điện đối với mọi gia đình trong một xã hội đang phát triển là rất cần thiết. Đã qua rồi thời sử dụng đèn dầu để thắp sáng; trưa, chiều cặm cụi nhóm bếp củi, bếp than nấu ăn; mỗi tối cha, mẹ mỏi tay cầm quạt phe phẩy cho con ngủ...
Nhu cầu sử dụng điện đối với mọi gia đình trong một xã hội đang phát triển là rất cần thiết. Đã qua rồi thời sử dụng đèn dầu để thắp sáng; trưa, chiều cặm cụi nhóm bếp củi, bếp than nấu ăn; mỗi tối cha, mẹ mỏi tay cầm quạt phe phẩy cho con ngủ...
Ở thời hiện đại, hầu hết mọi thiết bị gia dụng đều phải có điện mới hoạt động được thì chẳng ai dại gì muốn đi ngược về thời quá khứ để cho cực thân. Tuy nhiên, sử dụng điện như thế nào vừa đảm bảo tiện ích trong cuộc sống hàng ngày nhưng cũng phù hợp với túi tiền của từng gia đình. Thời gian qua, không ít hộ dân không có sự lựa chọn khác trong sử dụng điện, bởi họ phải mua điện với giá cao gấp mấy lần so với giá Nhà nước quy định. Đáng nói là những trường hợp này lại rơi vào đội ngũ công nhân lao động thu nhập thấp, những người phải thuê nhà trọ ở. Vì vậy, dù rất muốn sắm tủ lạnh để trữ thức ăn, có nước lạnh uống; mơ có chiếc máy giặt để đỡ vất vả hơn, song đối với công nhân lao động phải tính chi li từng đồng, nếu thấy “thu không đủ bù chi” thì quên đi mơ ước quá đỗi bình thường so với nhu cầu của những gia đình thu nhập khá trở lên. Trong khi đó, điện lâu nay chỉ tăng chứ chưa một lần giảm, càng khiến người lao động thêm cơ cực trong tính toán chi tiêu hàng ngày.
Từ ngày 16-3-2015, giá điện trên cả nước chính thức tăng 7,5%, bình quân là 1.622 đồng/kWh. Đây là giá của Nhà nước quy định. Còn nếu do tư nhân đầu tư hệ thống lưới điện, sau đó bán cho người sử dụng giá cao thì mới thấy người nghèo thời gian qua đã phải chịu thêm một khoản chi tiêu lẽ ra họ không phải mất. Gần 4 ngàn đồng/kWh điện mà người dân ấp Tân Cang, xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) lâu nay phải mua của tư nhân, đã làm cuộc sống của những gia đình này vốn đã khó khăn, càng vất vả hơn. Ngoài xã Phước Tân, nhiều hộ dân tại những địa phương khác ở TP.Biên Hòa cũng đang gặp tình cảnh tương tự khi mỗi tháng phải đứt ruột trả khoản tiền điện gần bằng nửa thu nhập của cá nhân. Xa hơn, một bạn đọc ở xã Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch) mới đây thông tin cho Báo Đồng Nai biết: “Người dân rất vui mừng khi chính quyền địa phương và ngành điện xuống ấp 2, xã Phước Khánh lắp đặt hệ thống điện hạ thế từ 6 tháng qua. Tuy nhiên, hàng ngày người dân nơi đây chờ đợi để được hòa vào điện lưới quốc gia, nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì. Mong sớm có điện sử dụng đúng giá quy định của Nhà nước lắm các nhà báo ơi!”. Nêu lên điều này để thấy rằng, sự háo hức mong chờ có điện sử dụng đúng giá của người dân xem ra còn vướng ở đâu đó.
Công bằng mà nói, một số địa phương do làm chưa tốt công tác quản lý địa bàn nên để xảy ra tình trạng xây dựng nhà ở trái phép tràn lan, kể cả ở những khu vực quy hoạch. Sự “dôi” ra của những căn hộ tách thửa tại một vài dự án chưa triển khai, đã dẫn đến chỗ phá vỡ quy hoạch. Hệ lụy ở đây là số công trình nhà ở bỗng dưng mọc lên thì đương nhiên có người ở. Mà đã có người ở thì buộc phải cần đến nước, điện sinh hoạt. Thế là tư nhân nhảy vào kinh doanh điện. Họ bỏ vốn ra đầu tư hệ thống lưới điện thì không lý gì lấy bằng giá Nhà nước. Giá điện ở những khu vực này cao là tất yếu.
Thông tin về hàng ngàn gia đình ở TP.Biên Hòa lâu nay phải sử dụng điện với giá ngất ngưởng, khiến các đại biểu HĐND tỉnh không khỏi giật mình. Có đại biểu rất trăn trở khi thấy thu nhập của người dân còn thấp, mà tiện ích trong cuộc sống hàng ngày vẫn ràng buộc điều gì đó. Vấn đề này đang rất cần cơ quan chức năng xem xét, tháo gỡ.
Tạ Nguyên