Từ bỏ "tháp ngà bảo bọc" của cha mẹ, từ bỏ sự vị kỷ của bản thân, thời gian gần đây một số bạn trẻ ở TP.Biên Hòa tham gia dự án "Tui là rác" kêu gọi cộng đồng bảo vệ môi trường. Dự án này xuất phát từ ý tưởng "không giống ai" của thanh niên thế hệ 9X Nguyễn Quý Tùng.
Từ bỏ “tháp ngà bảo bọc” của cha mẹ, từ bỏ sự vị kỷ của bản thân, thời gian gần đây một số bạn trẻ ở TP.Biên Hòa tham gia dự án “Tui là rác” kêu gọi cộng đồng bảo vệ môi trường. Dự án này xuất phát từ ý tưởng “không giống ai” của thanh niên thế hệ 9X Nguyễn Quý Tùng.
Là người trẻ, những ý tưởng “mới - độc - lạ” được Nguyễn Quý Tùng khai thác tối đa khi chọn đứng trong sọt rác màu đỏ, gương cao bảng hiệu “Tui là rác”. Việc chọn địa điểm tuyên truyền ở những nơi đông người, vào khung giờ cao điểm sẽ giúp công tác tuyên truyền đạt hiệu quả hơn, nhưng sẽ là thử thách đối với người tham gia dự án khi phải vượt qua mặc cảm bị nhiều người cho là “dở hơi biết bơi”. Bởi trong thực tế, việc thanh niên 9X này tự thiết kế một dự án dùng bản thân mình làm “phương tiện” thực hiện, hạ thấp bản thân đứng trong sọt rác ở nơi đông người nhằm kêu gọi một vấn đề quá “vĩ mô” - trong suy nghĩ của nhiều người là một “trò cười cho thiên hạ”.
Trong xã hội hiện nay, những người có lối sống “mackeno” (mặc kệ nó) ưa hưởng thụ, trọng vật chất, sống thực dụng đang ngày càng có xu hướng phổ biến, được “trẻ hóa”. Lối sống “mackeno” trong guồng quay nhanh - gấp - vội của xã hội hiện đại đã làm nảy sinh nhiều hệ lụy, khiến người ta trở nên thờ ơ với cái xấu, cái ác, dửng dưng với nỗi đau, sự hy sinh của người khác. Từ những chuyện giản đơn, như: học sinh thấy bạn quay cóp bài nhưng không phản ánh với giáo viên; thản nhiên đứng nhìn, thậm chí chụp ảnh, quay phim để tung lên “phây” khi người khác gặp nạn trên đường; cho đến những chuyện phức tạp, thiêng liêng hơn như: chống tham nhũng, phê bình và tự phê bình hay đụng chạm lòng tự tôn, tự hào dân tộc… Liệu những người theo xu hướng “mackeno” có dám đứng ra bảo vệ, lên tiếng cho cái đúng?
Trong trường hợp cụ thể này, theo xu hướng “mackeno” người người thấy rác, nhà nhà thấy rác và nhiều người xả rác, nhưng hầu như tất cả đều “nhường” việc dọn rác, vệ sinh rác cho đội ngũ công nhân dọn đường hoặc những người làm công tác xã hội. Thế nên, dự án “Tui là rác” cùng với hình ảnh hàng loạt những người làm công tác xã hội xắn tay lên làm những việc không liên quan nhiều đến mình quả thật đáng trân trọng.
Đến nay, hành trình vượt qua rào cản bản thân để thực hiện một việc làm giúp ích cho xã hội của thanh niên Nguyễn Quý Tùng đã không còn đơn độc, bởi đã có nhiều người trẻ cùng chung tay góp sức thực hiện dự án này. Theo đó, dự án không chỉ tạo sự chú ý cho người dân khi lưu thông qua khu vực Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh, công viên Chiến Thắng… mà còn được kết nối rộng rãi qua mạng xã hội. Hơn 3,5 ngàn người đã thay đổi nhận thức, từ tò mò, trêu chọc rồi đến ủng hộ bằng cách “like” và chia sẻ những hoạt động của dự án.
“Thà thắp lên một ngọn lửa nhỏ, còn hơn chỉ ngồi than phiền”. Hành trình và dự án của thanh niên Nguyễn Quý Tùng mang theo một ngọn lửa ấm vì hướng đến cộng đồng. Ngọn lửa đã được thắp sáng, hành trình của Nguyễn Quý Tùng đã có người đồng hành, chia sẻ, thêm ấm lòng và thêm niềm tin rằng hành trình hướng đến Chân, Thiện, Mỹ của thế hệ thanh niên hôm nay không đơn độc.
Thùy Trang