Báo Đồng Nai điện tử
En

Vì sao "ngại" thuế điện tử?

10:07, 05/07/2015

Giúp doanh nghiệp chủ động thực hiện việc nộp thuế 24/7 ở mọi nơi, mọi lúc; giảm thiểu thời gian và thủ tục nộp tiền; chủ động theo dõi và cập nhật tình hình nộp thuế cũng như được sử dụng các dịch vụ gia tăng kèm theo của ngân hàng… là những "ưu điểm vượt trội" mà Tổng cục Thuế hướng đến khi triển khai chương trình thu thuế điện tử cách đây hơn 1 năm.

Giúp doanh nghiệp chủ động thực hiện việc nộp thuế 24/7 ở mọi nơi, mọi lúc; giảm thiểu thời gian và thủ tục nộp tiền; chủ động theo dõi và cập nhật tình hình nộp thuế cũng như được sử dụng các dịch vụ gia tăng kèm theo của ngân hàng… là những “ưu điểm vượt trội” mà Tổng cục Thuế hướng đến khi triển khai chương trình thu thuế điện tử cách đây hơn 1 năm. Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương cần đạt tối thiểu 90% doanh nghiệp nộp thuế điện tử nhằm cải thiện môi trường kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đến ngày 30-9-2015.

Tuy nhiên, đã hết tháng 6 nhưng số doanh nghiệp nộp thuế điện tử tại Đồng Nai chỉ mới đạt gần 30%. Con số này tại TP.Hồ Chí Minh cũng chỉ mới đạt 22%. Các địa phương khác cũng chưa nơi nào đạt quá nửa chỉ tiêu mà Chính phủ đặt ra, dù thời hạn chỉ còn 3 tháng.

Vì sao quá nhiều tiện ích mà doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với khai thuế điện tử? Trước nay, thời gian và công sức bỏ ra cho việc nộp thuế luôn là nỗi ám ảnh của doanh nghiệp. Vào những ngày cao điểm nộp thuế, trước mỗi phòng thuế, xe đậu hàng dài chật kín, bộ phận kế toán phải mất cả ngày trời chầu chực để nộp được tiền vào ngân sách. Công việc căng thẳng, kế toán và doanh nghiệp không ít lần “tỏ thái độ” với nhau. Thế nhưng, giờ chỉ cần ngồi nhà gõ bàn phím là nộp được thuế, doanh nghiệp lại chẳng mặn mà.

Nguyên nhân là vẫn còn độ vênh giữa chính sách và mong muốn của cơ quan chức năng với những sự cố phát sinh từ thực tế. Có nhiều lý do khiến doanh nghiệp “ngại”, như: nghẽn mạng khi đang chuyển tiền. Khi muốn hoàn thành giao dịch thuế điện tử, hạ tầng công nghệ thông tin cần phải đồng bộ: mạng internet nhanh và thông suốt, phần mềm của ngành thuế cần được cập nhật và tương ứng với hệ điều hành máy tính của doanh nghiệp… Chẳng hạn, thời gian qua internet chậm, nghẽn do đứt cáp quang xảy ra liên tục khiến nhiều doanh nghiệp ngao ngán. Một doanh nghiệp trong ngành may mặc tại TP.Biên Hòa cho biết, doanh nghiệp ông và nhiều doanh nghiệp khác khi thực hiện nộp thuế điện tử rất sợ nghẽn mạng khi đang chuyển tiền, internet Việt Nam lại không ổn định nên phát sinh thêm nỗi lo lắng tính bảo mật thông tin trong tài khoản của công ty không được đảm bảo, do đó vẫn trù trừ chưa muốn chuyển sang khai thuế điện tử.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại càng kỹ tính hơn nữa, do đó không nhiều doanh nghiệp chọn khai thuế điện tử. Đơn cử, Tổng cục Thuế chỉ tích hợp phần mềm với một số ngân hàng trong nước, trong khi rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài có quan hệ tín dụng với ngân hàng quốc tế. Do đó, muốn khai thuế điện tử lại phải mở tài khoản ở ngân hàng trong nước, phức tạp thêm. Bên cạnh đó, một số cơ quan, ban, ngành chưa chấp nhận chứng từ điện tử, nhất là cơ quan thanh tra, kiểm toán. Điều này còn khó khăn hơn đối với các doanh nghiệp nước ngoài khi phải làm việc với những cơ quan kiểm toán nước ngoài hoặc với công ty mẹ.

Sẽ rất khó khăn khi chỉ còn 3 tháng nữa để hoàn thành chỉ tiêu mà Thủ tướng đề ra khi những nguyên nhân khiến doanh nghiệp ngại nộp thuế điện tử vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Vậy mới biết, áp dụng chính sách  vào thưc tế chưa từng dễ dàng, dù là lợi ích rõ ràng ai cũng thấy.

Vi Lâm

Tin xem nhiều