Năm 2013, dự thảo nghị định về thanh toán bằng tiền mặt do Ngân hàng Nhà nước chấp bút đã gây nhiều phản ứng khi trình làng bản đầu tiên, trong đó dự thảo đưa ra quy định cấm người dân thanh toán bằng tiền mặt khi bán bất động sản, ô tô, tàu thuyền (các tài sản bắt buộc phải đăng ký sở hữu).
Năm 2013, dự thảo nghị định về thanh toán bằng tiền mặt do Ngân hàng Nhà nước chấp bút đã gây nhiều phản ứng khi trình làng bản đầu tiên, trong đó dự thảo đưa ra quy định cấm người dân thanh toán bằng tiền mặt khi bán bất động sản, ô tô, tàu thuyền (các tài sản bắt buộc phải đăng ký sở hữu). Tuy nhiên, sau đó khi Chính phủ ban hành Nghị định 222 vẫn phải chấp nhận cho người dân thanh toán tiền mặt những tài sản có giá trị lớn, chỉ cấm thanh toán tiền mặt ở những dạng đặc thù như: giao dịch chứng khoán, góp vốn và chuyển nhượng cổ phần...
Nghị định 222 là một trong những nỗ lực của Chính phủ nhằm đạt đến mục tiêu xây dựng một nền kinh tế hạn chế thanh toán tiền mặt xuống mức thấp nhất, như nhiều quốc gia phát triển khác. Song, cho đến nay lộ trình này vẫn tiến một cách chậm chạp so với dự tính.
Nói một cách công bằng, các dịch vụ, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đã được phát triển mạnh mẽ và đa dạng dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, như: internet banking, mobile banking, ví điện tử… Với cuộc sống thường ngày của người dân, thanh toán không dùng tiền mặt cũng không còn xa lạ thông qua nhiều hình thức: chuyển khoản, thanh toán tiền hàng hóa dịch vụ tại POS (điểm chấp nhận thanh toán bằng thẻ), trả phí định kỳ với các khoản thanh toán thường xuyên (tiền điện, tiền nước, điện thoại, internet), mua hàng trực tuyến tại hệ thống siêu thị... Tuy nhiên, tỷ lệ người dân sử dụng vẫn còn rất thấp. Tại Đồng Nai, chỉ xét trên dạng thẻ có thể thanh toán phổ biến nhất là ATM, tuy lượng thẻ phát hành đã lên đến hơn 1,5 triệu thẻ, lượng máy POS đạt gần 1,3 ngàn máy, song hầu hết người dân vẫn sử dụng thẻ ATM chỉ để rút tiền. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tỷ trọng của việc rút tiền mặt bằng thẻ ATM vẫn rất cao trên phạm vi cả nước, còn tỷ trọng giao dịch không dùng tiền mặt trong tổng số giao dịch chỉ đạt ở mức 3%.
Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân và sự hạn chế về hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra, cũng phải kể đến một yếu tố không nhỏ là chính sách phí liên quan đến quá trình sử dụng thẻ. Hiện nay, các ngân hàng vẫn đang áp dụng phí phát hành thẻ là 50 ngàn đồng/thẻ, kèm theo đó là một loạt các mức phí đi theo như phí chuyển khoản, phí sử dụng thẻ thường niên...
Chỉ kể đến các chi phí phát hành thẻ ATM, đầu tư bảo dưỡng, vận hành hệ thống máy ATM, chi phí phát sinh và những bất tiện của người dân khi phải bỏ thời gian đến các máy ATM để rút tiền mặt ra tiêu xài, thì rõ ràng những lợi ích từ trả lương qua thẻ chưa chắc đã bù đắp nổi những bất lợi khi người dân vẫn chỉ dùng ATM để rút tiền.
Một nền kinh tế hạn chế đến mức thấp nhất có thể các dạng thanh toán dùng tiền mặt là ao ước của mọi Chính phủ. Việt Nam cũng không ngoại lệ, và Nhà nước đã đầu tư nhiều công sức, tiền của vào chính sách, hạ tầng kỹ thuật… Nhưng có lẽ, một trong những điều cần làm, và khó làm nhất là thay đổi ý thức của chính người dân, vì một khi thấy ích lợi cao hơn phiền phức, họ sẽ làm.
VI LÂM