Báo Đồng Nai điện tử
En

Bền bỉ một hành trình tri ân

10:07, 26/07/2015

Vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - liệt sĩ 27-7 năm nay, với lòng tri ân vô hạn, từ tỉnh đến cơ sở đã và đang có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực chăm lo cho các thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - liệt sĩ 27-7 năm nay, với lòng tri ân vô hạn, từ tỉnh đến cơ sở đã và đang có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực chăm lo cho các thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Tỉnh cũng sẽ tổ chức lễ trao tặng và truy tặng các danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong hòa bình hôm nay, nhắc nhớ về các bà mẹ khi trao người chồng, người con thân yêu của mình cho Tổ quốc và mòn mỏi đợi chờ. Ngày ấy, mẹ đã nuốt nước mắt vào trong để tiễn đưa chồng, con theo lời giục giã của non sông mà không hẹn ngày về...

Ngày ấy, các anh đã cống hiến sức trẻ của mình để xông pha trận mạc. Có anh đã để lại thân xác mình nơi chiến trận, hài cốt đến giờ này vẫn chưa về được với người thân. Có anh trở về với cuộc sống đời thường, mang vết thương chiến tranh để rồi luôn nghĩ mình may mắn hơn nhiều đồng đội ở lại nơi chiến trường nên không so đo, tính toán…

Khi hòa bình lập lại, thực hiện chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta, Đồng Nai đã thực hiện quyết liệt và hiệu quả chính sách đối với người có công. Tỉnh đã có nhiều kết quả trong việc tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, làm an lòng thân nhân các liệt sĩ, đồng đội đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Tiêu biểu như trong năm 2014, tỉnh đã liên tiếp quy tập thành công 2 hố chôn hài cốt liệt sĩ tập thể quy mô lớn tại xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) và xã Bảo Vinh (TX.Long Khánh). Bên cạnh đó, ngoài kinh phí của Trung ương, tỉnh cũng ưu tiên ngân sách, huy động cả hệ thống chính trị và xã hội hóa để tích cực chăm lo về vật chất và tinh thần đối với các đối tượng chính sách… Đến nay, tỉnh thực hiện đạt mục tiêu: tất cả người có công phải có đất ở và nhà kiên cố.

Tuy vậy, hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trong lòng đất mẹ, rà soát chính sách đối với người có công, để không bỏ sót đối tượng, công nhận kịp thời… luôn là một việc làm hết sức khó khăn. Bởi Đồng Nai từng là chiến trường ác liệt, số liệt sĩ hy sinh đông, một số trường hợp không còn đủ hoặc mất hồ sơ gốc; hoặc khi được công nhận thì đối tượng đã qua đời… Điều đó đòi hỏi ở trình độ, năng lực và cái tâm của những cán bộ làm công tác chính sách đối với người có công ở các cấp. Bên cạnh đó, nỗi đau chiến tranh không chỉ hiển diện trong từng thớ đất mà còn ngấm ngầm phá hủy cơ thể của hàng ngàn nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Hàn gắn vết thương chiến tranh đã, đang và sẽ là một trách nhiệm cao cả, một nhiệm vụ lâu dài của toàn xã hội.

Trên thực tế, những căn nhà tình nghĩa, phần thưởng, phần quà… không thể làm nguôi ngoai nỗi đau vợ mất chồng, mẹ mất con hay làm lành lặn những vết thương âm ỉ của những người đã đổ máu xương mình cho độc lập, tự do. Nhưng trên tất cả, chính sách tri ân đối với người có công đã làm ấm lòng người thụ hưởng, là niềm tự hào vẻ vang của những gia đình, dòng tộc đã có người nằm xuống cho Tổ quốc.

Lâm Viên

Tin xem nhiều