Báo Đồng Nai điện tử
En

Để chế định thừa phát lại đi vào cuộc sống

11:04, 22/04/2015

Sau gần 40 năm vắng bóng, thời gian gần đây chế định thừa phát lại đã được tổ chức thực hiện thí điểm tại 12 tỉnh, thành, trong đó có Đồng Nai, là giải pháp nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa một số hoạt động tư pháp theo Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Trong Tuyệt tình ca - vở cải lương “kinh điển” với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng như: Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Bạch Tuyết, Thanh Sang, có đoạn bà Sa, vợ một giám đốc bắt quả tang chồng ngoại tình với cô thư ký Lê Thị Trường An, đã nhờ thừa phát lại lập vi bằng về sự việc trên và yêu cầu “ông Cò quận 9” giải quyết. Vở cải lương lấy bối cảnh khoảng thập niên 60, cho thấy thời điểm đó đã có hoạt động thừa phát lại, và hoạt động này khá phổ biến trong đời sống xã hội.

Sau gần 40 năm vắng bóng, thời gian gần đây chế định thừa phát lại đã được tổ chức thực hiện thí điểm tại 12 tỉnh, thành, trong đó có Đồng Nai, là giải pháp nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa một số hoạt động tư pháp theo Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Tất nhiên, hoạt động thừa phát lại hiện nay chưa được phép thực hiện ở các lĩnh vực thuộc về bí mật đời tư, hay có tính chất nhạy cảm ảnh hưởng đến đời sống xã hội, đến thuần phong mỹ tục của dân tộc, như trường hợp trong vở cải lương Tuyệt tình ca, nhưng thừa phát lại đã được Nhà nước công nhận là một nghề nghiệp trong hoạt động bổ trợ tư pháp nhằm đáp ứng sự phát triển của xã hội và nhu cầu của người dân trong một số lĩnh vực, như: thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng...

Tuy nhiên, trong thực tế người dân vẫn chưa biết nhiều về hoạt động này. Tại Đồng Nai, 5 văn phòng thừa phát lại trong một năm hoạt động mới có 13.378 văn bản được tống đạt, 648 vi bằng được lập, 13 vụ xác minh điều kiện thi hành án, 11 hợp đồng thi hành án dân sự - những con số quá ít ỏi so với một địa phương sôi động. Đến nay, Sở Tư pháp - cơ quan chủ quản các văn phòng thừa phát lại hầu như chưa có một kế hoạch tuyên truyền xứng tầm nào để người dân biết, hiểu về chế định còn rất mới mẻ này, cũng như giải thích cho người dân hiểu khi nào thì nên đến văn phòng thừa phát lại. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến doanh thu của các văn phòng thừa phát lại, còn làm thiệt thòi quyền lợi của người dân khi thiếu đi sự lựa chọn trong lĩnh vực tư pháp.

Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện thí điểm hoạt động thừa phát lại thời gian qua cũng bộc lộ ra những hạn chế trong các quy định, luật liên quan. Theo quy định, các biên bản tống đạt phải được UBND địa phương xác nhận, dẫn đến tình trạng dồn gánh nặng sang cho cán bộ tư pháp với biên chế ít ỏi khiến việc tống đạt trễ hạn. Rồi các văn bản pháp luật về thừa phát lại chưa đồng bộ và hiệu lực pháp luật chưa ngang bằng với các luật khác như: Luật Tố tụng dân sự, Luật thi hành án dân sự, Luật Luật sư, Luật Công chứng… làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của thừa phát lại.

Ngoài ra, năng lực của một số văn phòng thừa phát lại còn hạn chế cả về tổ chức, nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất. Tại Đồng Nai, đã có tình trạng lập vi bằng không đạt yêu cầu. Từ đó làm nảy sinh tâm lý e ngại từ phía các cơ quan tòa án, thi hành án khi giao văn bản để tống đạt cũng như ngần ngại từ phía người dân khi có nhu cầu.

Có thể khẳng định, hoạt động thừa phát lại có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng trong hoạt động tố tụng nói riêng và đời sống xã hội nói chung. Tuy nhiên, để chế định này đi vào đời sống như chủ trương, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, cần có sự điều chỉnh đồng bộ từ các văn bản pháp luật, nhận thức của các cơ quan luật pháp, nhất là cơ quan thi hành án, cho đến việc chú trọng đào tạo đội ngũ thừa phát lại, cụ thể là đưa pháp luật về thừa phát lại vào  nội dung học tập, đào tạo của các trường chuyên ngành luật để tạo nguồn nhân sự cho các văn phòng thừa phát lại trong tương lai.

Hà Lam

Tin xem nhiều