Tháng 5-2013, sự kiện Nick Vujicic - chàng trai khuyết tật nổi tiếng thế giới về nghị lực vượt qua nghịch cảnh, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống - đến Việt Nam đã bùng lên "cơn sốt" và để lại ấn tượng sâu sắc, thay đổi cách nhìn về người khuyết tật trong cộng đồng người Việt Nam.
Tháng 5-2013, sự kiện Nick Vujicic - chàng trai khuyết tật nổi tiếng thế giới về nghị lực vượt qua nghịch cảnh, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống - đến Việt Nam đã bùng lên “cơn sốt” và để lại ấn tượng sâu sắc, thay đổi cách nhìn về người khuyết tật trong cộng đồng người Việt Nam. Câu chuyện của Nick Vujicic cũng đồng thời truyền cảm hứng, nuôi dưỡng ước mơ được sống có ích cho hàng triệu người khuyết tật ở nước ta. Tuy nhiên, trong thực tế ước mơ ấy đang vấp phải rất nhiều khó khăn.
Đồng Nai hiện có khoảng 23.200 người khuyết tật, trên 60% trong số đó đang ở độ tuổi lao động. Thế nhưng, chỉ mới có khoảng 1.400 người có công việc ổn định tại các doanh nghiệp, tức chỉ 10% người khuyết tật trong độ tuổi lao động đạt được ước mơ đơn giản nhất là được làm việc. Trong số gần 22 ngàn doanh nghiệp thuộc các loại hình đang hoạt động trong tỉnh, chỉ có 20 doanh nghiệp nhận lao động là người khuyết tật. Vì sao có những số liệu chênh lệch đáng đau lòng ấy?
Không thể phủ nhận việc sử dụng lao động khuyết tật sẽ gây khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi trong thực tế, phần lớn người khuyết tật có trình độ văn hóa thấp, thậm chí nhiều người còn còn mù chữ, chưa có tay nghề hoặc có nhưng không phù hợp do các thiết chế giáo dục hiện nay chưa được quan tâm xây dựng dành cho đối tượng khuyết tật; người khuyết tật cũng có nhiều bất tiện trong di chuyển, giao tiếp, khả năng tiếp cận với trang thiết bị nơi làm việc còn hạn chế. Do đó, thời gian để đào tạo một lao động khuyết tật lành nghề dài hơn nhiều so với lao động bình thường, năng suất lao động của người khuyết tật cũng khó bằng các lao động khác; ở một số nơi, doanh nghiệp còn phải đầu tư trang thiết bị, điều kiện làm việc phù hợp với thể trạng của người khuyết tật, dẫn đến tăng chi phí sản xuất… Chính vì thế mà các doanh nghiệp còn ngần ngại sử dụng lao động khuyết tật.
Mặt khác, dù hệ thống chính sách về người khuyết tật đã được ban hành, như: Luật Lao động có nhiều điều khoản ưu tiên lao động khuyết tật; Nghị định số 81/CP của Chính phủ quy định các doanh nghiệp có trách nhiệm nhận từ 2-3% lao động là người khuyết tật, nếu không nhận đủ sẽ phải nộp vào Quỹ việc làm của người khuyết tật; doanh nghiệp có trên 51% lao động là người khuyết tật sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ. Nhưng trong thực tế, các quy định này chưa đi vào cuộc sống một cách đồng bộ, rộng khắp bởi chưa có cơ chế chế tài, giám sát thực hiện một cách thỏa đáng nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động khuyết tật; tỷ lệ sử dụng lao động khuyết tật để hưởng chính sách ưu đãi quá cao khiến doanh nghiệp chẳng mặn mà.
Đã đến lúc không thể xem việc doanh nghiệp nhận lao động khuyết tật theo kiểu “tùy lòng hảo tâm”, không thể để quyền được làm việc của người khuyết tật thực hiện bằng cách ban phát, mà phải xem đây là một trong những quyền cơ bản, cần thiết. Muốn vậy, người khuyết tật cần được quan tâm tạo điều kiện từ “gốc”: được học chữ, đào tạo nghề phù hợp thể trạng; có cơ hội tiếp cận nghề nghiệp và việc làm; điều chỉnh luật để ràng buộc trách nhiệm cũng như lợi ích của doanh nghiệp trong sử dụng lao động khuyết tật… Với những người khuyết tật chưa có việc làm hoặc lao động tự do, Nhà nước cần có sự hỗ trợ về tư vấn nghề nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc hoặc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy, người khuyết tật mới rộng cơ hội được làm việc, đóng góp và cống hiến cho xã hội theo khả năng của mình, trở thành người có ích thật sự.
Hà Lam