37,6 và 38,6 triệu đồng - lần lượt là mức thu nhập bình quân đầu người của huyện Xuân Lộc và TX.Long Khánh - tính ở thời điểm đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện vào cuối năm 2014. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người của cả tỉnh Đồng Nai năm 2014 là 32,6 triệu đồng/người.
37,6 và 38,6 triệu đồng - lần lượt là mức thu nhập bình quân đầu người của huyện Xuân Lộc và TX.Long Khánh - tính ở thời điểm đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện vào cuối năm 2014. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người của cả tỉnh Đồng Nai năm 2014 là 32,6 triệu đồng/người.
Vinh dự là tỉnh đầu tiên trong cả nước có 2 địa phương đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện, nhưng ở thời điểm này, Đồng Nai đã tính đến câu chuyện hậu nông thôn mới, được cụ thể hóa bằng Quyết định số 387 của UBND tỉnh, ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao của tỉnh Đồng Nai, với mục tiêu tiếp tục giữ vững, duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt được, đảm bảo tính bền vững nhằm thúc đẩy phong trào ở trình độ và chất lượng cao hơn.
Theo đó, Đồng Nai phấn đấu thu nhập bình quân đầu người năm 2015 tại các xã nông thôn mới đạt trên 45 triệu đồng/người/năm; năm 2016 đạt trên 51 triệu đồng; 2017 đạt trên 58 triệu đồng. Rất nhiều lần Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành nhấn mạnh, cốt lõi của xây dựng nông thôn mới là nâng cao thu nhập của nông dân, vì chỉ khi không quá vướng bận chuyện áo cơm, những nông dân chân lấm tay bùn mới có thể nghĩ đến những nhu cầu khác về y tế, văn hóa hay giáo dục…
Ở góc nhìn rộng lớn hơn, câu chuyện xây dựng nông thôn mới cũng được Đồng Nai xác định bằng cách ban hành hàng loạt chính sách về thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, ưu đãi và hỗ trợ doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết và cánh đồng mẫu lớn… bằng các nghị quyết, quyết định, kế hoạch… hỗ trợ cụ thể về đất đai, vay vốn, thủ tục hành chính. Đồng Nai cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước có Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học với cả chục dự án nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất, kinh doanh hướng đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Trên thực tế, những chính sách nền tảng trên đã cho những mùa quả ngọt đầu tiên.
Ít ai hình dung được một tỉnh từ lâu đã được biết đến như một hình tượng kiểu mẫu tại Việt Nam về phát triển công nghiệp, lại có tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp nhiều đến thế. Trước khi có Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngay từ năm 2007 Tỉnh ủy Đồng Nai đã quyết định chủ trương về xây dựng nông thôn mới với mục tiêu “4 có”, đó là: có đời sống kinh tế được cải thiện; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; có đời sống văn hóa tốt - an ninh, an toàn đảm bảo; có môi trường sinh thái phát triển bền vững. Đồng Nai đặt mục tiêu phải giải đáp cho được 4 câu hỏi: Trồng cây gì, nuôi con gì? Năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi như thế nào? Bán cho ai, bán ở đâu? Lợi nhuận, thu nhập được bao nhiêu?
Khi được hỏi, nông dân thực sự nghĩ gì về xây dựng nông thôn mới, “vua trồng tiêu” Trần Hữu Thắng (huyện Xuân Lộc) nói: “Chúng tôi đồng lòng xây dựng nông thôn mới vì hiểu đây không phải là phong trào hình thức hay chạy đua thành tích, mà vì thực sự qua đó đời sống chúng tôi thay đổi hàng ngày, và mỗi nông dân đi từ hai bàn tay trắng như tôi - đã nhìn thấy lợi ích và cơ hội của chính mình trong đó”.
Sẽ còn nhiều điều phải làm cho cả những nơi đạt, chưa đạt và đã đạt chuẩn nông thôn mới ở Đồng Nai cũng như trên phạm vi cả nước, vì xây dựng nông thôn mới không phải là câu chuyện chạy đua chứng minh thành tích. Nhưng mọi chuyện sẽ không còn quá khó khăn một khi lòng dân đã thuận. Và mong rằng với hậu nông thôn mới, những câu chuyện buồn về trái cà chua, dưa hấu, thanh long… chín rục trên đồng vì ế ẩm sẽ không còn tồn tại, cũng như nước mắt nông dân không còn rơi trên những cánh đồng.
Kim Ngân