Liên tiếp các vụ thịt thối, rau, củ, quả nhiễm tồn dư chất bảo vệ thực vật hay vi khuẩn nguy hại được phát hiện gần đây trên cả nước khiến người tiêu dùng không khỏi rùng mình khi nghĩ tới mâm cơm hàng ngày.
Liên tiếp các vụ thịt thối, rau, củ, quả nhiễm tồn dư chất bảo vệ thực vật hay vi khuẩn nguy hại được phát hiện gần đây trên cả nước khiến người tiêu dùng không khỏi rùng mình khi nghĩ tới mâm cơm hàng ngày. Lựa chọn thực phẩm như thế nào cho an toàn, đảm bảo sức khỏe chưa bao giờ lại trở thành vấn đề khó cho nhiều gia đình như bây giờ, bởi sự nghi ngờ vào cái tâm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm khá lớn.
Sự nghi ngờ này không phải là không có cơ sở khi hàng loạt những sai phạm trên lĩnh vực này được phát hiện, kể cả ở những cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn, có uy tín trên thị trường. Thậm chí, thịt thối, rau độc đã vào tận bàn ăn của học sinh - những mầm non tương lai của đất nước. Vì lợi nhuận, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không ngần ngại buôn bán, chế biến những loại thực phẩm không được phép lưu hành, vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng người dân. Ngộ độc thực phẩm chỉ là cái thấy trước mắt nhưng về lâu dài, đó là những căn bệnh nguy hiểm, như: ung thư, viêm não, nhiễm trùng huyết… mà bất cứ ai cũng có thể mắc nếu hàng ngày phải ăn những loại thực phẩm kém an toàn.
Tại Đồng Nai, theo Chi cục Thú y Đồng Nai, trong năm 2014 và quý I-2015, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh phát hiện hơn 500 trường hợp vi phạm, trong đó có 156 cơ sở giết mổ động vật không có giấy phép và không đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y; 13 trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi… Đã có hơn 11 tấn thịt thối, thịt không rõ nguồn gốc được tịch thu, tiêu hủy khi đang lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những vụ việc được phát hiện. Con số thực chắc chắn sẽ còn lớn hơn nhiều, bởi công tác quản lý trên lĩnh vực này vẫn còn khá chồng chéo, bất cập và chưa thực sự hiệu quả.
Để bảo vệ người tiêu dùng, hàng năm nước ta đều phát động Tháng hành động vì an toàn vệ sinh thực phẩm. Chủ đề Tháng hành động vì an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2015 là “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn” sẽ diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5 với mục tiêu nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở các cấp, người quản lý; nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sản xuất - kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với rau, thịt là sản phẩm tiêu dùng hàng ngày. Tháng hành động cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm rau, thịt tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm, đặc biệt là các chợ đầu mối nhằm giảm thiểu ngộ độc thực phẩm từ rau, thịt mất an toàn.
Việc tổ chức Tháng hành động vì an toàn vệ sinh thực phẩm trên phạm vi cả nước là khá cần thiết, nhất là trong điều kiện thực hiện đồng bộ chuỗi liên kết từ trang trại đến bàn ăn còn khá lỏng lẻo. Tuy nhiên, vấn đề người tiêu dùng quan tâm vẫn là hiệu quả của tháng hành động và “hậu” tháng hành động là gì, để họ có thể luôn an tâm với sự lựa chọn của mình khi mua thực phẩm?
Minh Ngọc