Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong tháng 5-2023, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh tăng khoảng 5% so với tháng trước đó.
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong tháng 5-2023, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh tăng khoảng 5% so với tháng trước đó. Trong đó có một số ngành chỉ số tồn kho tăng khá cao so với tháng trước như: sản xuất chế biến thực phẩm tăng hơn 56%; sản xuất đồ uống tăng gần 149%; sản xuất phương tiện vận tải khác gần 20%; ngành dệt gần 8%... Nguyên nhân dẫn đến chỉ số hàng hóa tồn kho tăng là do thị trường xuất khẩu và tiêu thụ tại nội địa bị chậm lại. Đồng thời, doanh nghiệp (DN) vì cố gắng duy trì sản xuất nên đã ứng trước đơn hàng hoặc làm theo các đơn hàng cũ để chờ khi có đơn đặt hàng sẽ xuất khẩu. Việc này đã khiến hàng hóa sản xuất ra nhưng không bán được phải lưu kho chờ tìm được khách hàng mới hoặc đến thời điểm đối tác nhận hàng.
Lượng hàng tồn kho lớn và tăng, đồng nghĩa với việc DN sản xuất ngày càng khó khăn hơn. Bởi sản phẩm không bán được, DN sẽ thiếu vốn để quay vòng sản xuất và mua nguyên liệu dự trữ phục vụ cho dịp sản xuất cuối năm khi thị trường phục hồi. Vì thế, đa số các DN trên địa bàn tỉnh đều gặp khó khăn do thiếu vốn, đơn hàng. Nhiều DN buộc phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất đợi qua giai đoạn khủng hoảng hiện nay.
Theo các DN, tình hình khó khăn về sản xuất, xuất khẩu có thể sẽ kéo dài đến cuối năm 2023, chứ không phải chỉ đến đầu quý III-2023 như dự báo ban đầu. Hiện sức mua của các thị trường lớn trên thế giới và thị trường trong nước đều giảm, vì người dân lo ngại kinh tế suy thoái, kéo theo giảm việc làm và thu nhập nên đã thắt chặt chi tiêu.
Vì thế hiện nay, hầu hết các DN tại Đồng Nai cũng như cả nước đều mong Nhà nước sẽ hỗ trợ bằng cách đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại thị trường nội địa và nước ngoài để kích cầu sức mua tăng. Như vậy, DN giải phóng được lượng hàng tồn kho và có thêm những đơn đặt hàng mới. Bên cạnh đó, các DN cũng mong Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có chính sách ưu đãi giảm lãi suất, gia hạn, giãn nợ để có thêm nguồn vốn đầu tư cho sản xuất chờ cơ hội để phục hồi. Ngoài ra, những vướng mắc về chính sách cũng cần Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ kịp thời để DN yên tâm sản xuất.
Uyển Nhi