Từ ngày 6-3, theo tinh thần cuộc họp do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, hệ thống ngân hàng sẽ có đợt giảm lãi suất huy động - với mục tiêu "hạ nhiệt" lãi suất cho vay.
Từ ngày 6-3, theo tinh thần cuộc họp do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, hệ thống ngân hàng sẽ có đợt giảm lãi suất huy động - với mục tiêu “hạ nhiệt” lãi suất cho vay. Cụ thể, nhóm Big 4 (Vietcombank, BIDV, Agribank và Vietinbank) sẽ giảm khoảng 0,2% so với lãi suất huy động đang được niêm yết. Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần còn lại sẽ giảm khoảng 0,5% so với lãi suất huy động được niêm yết lâu nay.
Hiện mức lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng dao động từ 6,5-9,5%/năm tùy theo kỳ hạn, tùy theo ngân hàng, phổ biến nhất là khung 7-8%/năm. Cộng thêm biên độ (chi phí hoạt động, lợi nhuận…) của các ngân hàng cỡ 4,5-5%/năm thì lãi suất cho vay đang rất cao: 10-15%/năm, tùy kỳ hạn, gói vay và tùy ngân hàng. Với các khoản vay trung và dài hạn, vay tiêu dùng thì lãi còn cao hơn, có ngân hàng áp lãi đến 17%/năm với các khoản vay này.
Thực tế, lãi suất rục rịch tăng từ khoảng tháng 8-2022 đến nay và đã “leo” lên đến mức 2 con số - mức lãi mà rất nhiều doanh nghiệp (DN) “không chịu nổi”. Với tất cả những thách thức đang có: lạm phát, bất động sản đóng băng, tiếp cận vốn khó, đơn hàng giảm mạnh… thì lãi suất vay 10-15% quả thực là một gánh nặng lớn. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2022 và 2021, lãi cho vay chỉ khoảng 6-8%/năm.
Diễn biến thời gian qua cho thấy, từ việc giảm lãi suất huy động đến việc hạ lãi vay một cách thực chất thì còn khá xa vời. Thậm chí có thể nói, 0,2% hay 0,5%/năm không phải là mức giảm đáng kể cho người vay, và gần như mức giảm “nhẹ hều” này không giúp ích gì nhiều cho DN trong bối cảnh khó khăn này.
Bên cạnh việc hạ lãi suất, thời gian qua một số gói hỗ trợ lãi suất cũng được đưa ra, nhưng hiệu quả không cao. Chẳng hạn, DN rất khó thỏa mãn các điều kiện, thủ tục để thực sự tiếp cận và vay được tiền từ các gói vay hỗ trợ lãi suất 2% thời kỳ “hậu Covid”, gói hỗ trợ một số lĩnh vực đặc thù như công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ… Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành cũng thường xuyên tổ chức các cuộc họp gỡ khó cho DN nhưng tình hình chưa mấy khả quan.
Vậy nên, với mức lãi suất cho vay được đánh giá là quá cao như hiện nay, dùng sự khuyến khích hay mệnh lệnh hành chính để đề nghị các ngân hàng giảm lãi suất cũng không phải là cách lâu dài. Thay vào đó, gỡ khó cho các nguồn cấp vốn khác (như trái phiếu), khơi thông những nơi “chôn vốn” đặc biệt lớn (như thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán…), giúp DN tiết giảm chi phí hoạt động, đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ mở rộng thị trường, hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh một cách thực thụ… mới khiến nền kinh tế vượt khó khăn, thị trường phát triển lành mạnh, các nguồn cấp vốn dồi dào và lãi ngân hàng từ đó mới hạ theo một cách căn cơ và bền vững hơn.
Vi Lâm