Số lượng 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký, tưởng là nhiều, song thực tế cũng chỉ ở mức "bình thường" so với các quốc gia trong khu vực. Các FTA mở ra cơ hội với Việt Nam nhưng cũng đồng thời mở ra cơ hội với các quốc gia khác.
Số lượng 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký, tưởng là nhiều, song thực tế cũng chỉ ở mức “bình thường” so với các quốc gia trong khu vực. Các FTA mở ra cơ hội với Việt Nam nhưng cũng đồng thời mở ra cơ hội với các quốc gia khác. Do đó, không nên nhìn nhận FTA như “chiếc đũa thần” có thể một sớm một chiều đem lại lợi nhuận cho nền kinh tế. Quan điểm này được ông Trần Toàn Thắng, Phó trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), đưa ra trong hội thảo “Từ kinh tế Mỹ đến Đông Nam Á, tiến - lùi cho hội nhập Việt Nam” diễn ra vào cuối tháng 2-2017.
Ảnh minh họa. Nguồn: Intenet |
Thời báo kinh tế Sài Gòn dẫn lại số liệu mà ông Thắng đưa ra, cho thấy trong khi Việt Nam đã ký 15 FTA thì các quốc gia trong khu vực cũng ký kết số lượng FTA tương tự, thậm chí nhiều hơn. Cụ thể, con số FTA mà Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia lần lượt ký là 32, 21, 21 và 17 - nhiều hơn hẳn so với con số 15 của Việt Nam.
Điểm lợi phổ biến nhất mà Việt Nam nhìn thấy thông qua các FTA là thị trường tiêu thụ sẽ mở rộng và thuế suất giảm mạnh, điều này có thể tạo những cơ hội xuất khẩu hàng hóa dễ dàng hơn đến liên minh châu Âu, ASEAN, Nga, Hàn Quốc… Tuy nhiên, Việt Nam ký các FTA, các nước khác cũng ký và cơ hội đến với họ cũng rất nhiều, rất rộng. Trong khi đó, cạnh tranh giữa các ngành nghề hiện không nằm trong phạm vi một quốc gia như trước, mà là giữa các quốc gia với nhau. Đơn cử, hàng dệt may, gỗ mỹ nghệ, gốm sứ của Việt Nam đang phải cạnh tranh rất mạnh với các doanh nghiệp đến từ Indonesia, Trung Quốc… nhằm giành được các hợp đồng gia công lớn, hoặc các đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ, Nhật, châu Âu. Nói như thế để thấy rằng các FTA luôn là những thỏa thuận được/mất và không chỉ Việt Nam mới tranh thủ và tích cực tham gia các FTA, các quốc gia khác cũng không bao giờ bỏ lỡ cơ hội.
Một khía cạnh khác phải chấp nhận khi tham gia các FTA là thị trường trong nước cũng đã mở rộng cho hàng ngoại theo đúng những cam kết mà Việt Nam đã ký. Trước cả các FTA thế hệ mới, với những cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), từ năm 2007 Việt Nam đã mở cửa cho hàng hóa nhập khẩu và cả nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ. Những cánh cửa này ngày một mở rộng, hàng ngoại nhanh chóng tràn vào, trong khi điểm mấu chốt là sau 10 năm, Việt Nam vẫn chưa thực sự mạnh mẽ về nội lực. Hàng Việt Nam vẫn chưa được ưa chuộng bằng hàng Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... và vẫn đang rất vất vả để giành thị phần, nhiều doanh nghiệp thậm chí còn bị “đánh bật” về thị trường nông thôn và không ít thương hiệu Việt bị các tập đoàn đa quốc gia mua lại. Cạnh tranh trên sân nhà đã khó, nói gì đến cạnh tranh trên sân khách - cho dù các FTA đã tạo ra những cơ hội công bằng cho hàng Việt Nam, chỉ là còn quá ít thương hiệu Việt đủ mạnh để cạnh tranh công bằng trên thị trường quốc tế.
Vậy nên, FTA không đem lại phép màu, FTA mở ra cơ hội đồng thời cũng đặt ra nhiều trắc trở mà chỉ một yếu tố có thể giải quyết được: nội lực của chính doanh nghiệp Việt Nam.
Vi Lâm