Chuyện chưa bao giờ hết "nóng" trên các bàn tròn hay diễn đàn lớn nhỏ trong vài năm nay là giải cứu nông sản. Xuất phát từ những nhóm cộng đồng mạng có tâm, nhiều chiến dịch giải cứu nông sản đã đạt được mục đích trong ngắn hạn: động viên tinh thần nông dân và giải tỏa bớt hàng tồn cho họ.
Chuyện chưa bao giờ hết “nóng” trên các bàn tròn hay diễn đàn lớn nhỏ trong vài năm nay là giải cứu nông sản. Xuất phát từ những nhóm cộng đồng mạng có tâm, nhiều chiến dịch giải cứu nông sản đã đạt được mục đích trong ngắn hạn: động viên tinh thần nông dân và giải tỏa bớt hàng tồn cho họ.
Gần đây nhất, chiến dịch giải cứu chuối khởi phát từ một phong trào Đoàn tại Đồng Nai đã nhận được sự quan tâm và tham gia sâu sắc từ phía cộng đồng.
Sinh viên TP.Hồ Chí Minh mua chuối hỗ trợ nông dân Trảng Bom (ảnh tư liệu). |
Chia sẻ và trợ giúp những người sản xuất khi họ ở trong thế yếu là một trong những hành vi rất nhân văn. Song nhìn nhận khách quan, nông dân không thể trông vào những lần giải cứu như thế mãi, bởi thực tế người tiêu dùng sẽ không mua hàng giải cứu hết lần này đến lần khác.
Mặc dù Việt Nam có nền nông nghiệp lâu đời, song số đông nông dân Việt luôn được xếp vào những người yếu thế trong xã hội. Họ yếu thế về nhiều thứ và những điểm yếu đó càng lộ rõ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế: yếu về vốn liếng, kinh nghiệm, thông tin thị trường, kỹ năng bán hàng… và rất nhiều thứ khác.
Yếu tố để quyết định sản xuất hay không sản xuất một mặt hàng nông sản nào đó của nông dân rất đơn giản: mùa trước thương lái mua giá bao nhiêu và lãi bao nhiêu? Quyết định này dường như rất mỏng manh và thiếu sự cân nhắc đồng bộ, gần như thiếu hẳn thông tin về nhu cầu thị trường, đối thủ cạnh tranh, xu hướng và những yêu cầu mới của tiêu dùng về mặt hàng đó…
Nông dân hầu như không có phương án thứ 2 nếu thương lái ngưng mua khi thị trường có những thay đổi, và do đó họ dễ dàng bị đặt vào thế hoàn toàn bị động, không có cơ sở nào để thương thảo về giá, số lượng với người mua.
Chính phủ đề ra nhiều chính sách tập trung phát triển nông nghiệp Việt Nam thành một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa. Hiểu nôm na, nông nghiệp sản xuất hàng hóa đòi hỏi quy mô lớn, chất lượng nông sản đồng đều, đạt chuẩn mà người mua mong muốn, giá cả cạnh tranh…
Muốn thế, tư duy nông dân cũng cần chuyển dịch thành tư duy doanh nghiệp, trong đó ít nhất họ cần biết mình đang sản xuất mặt hàng gì, phẩm chất giá cả ra sao và sẽ cung ứng cho những dạng khách hàng nào.
Hầu như hiện tại, đa số nông dân (không phải tất cả) cũng chỉ biết đến những ông thương lái hay đầu nậu mua hàng, còn lại các thông tin khác hầu như vẫn rất mập mờ. Không nhiều người có những phương án dự phòng cho mùa vụ của mình, cũng như không nhiều người có những tìm tòi về thị trường hay khách hàng mới để nắm bắt nhu cầu của họ và điều chỉnh sản xuất cho đúng, cho phù hợp. Vậy nên khi có sự cố, họ hầu như chỉ biết bị động cầu cứu Nhà nước.
Có lẽ cần bỏ đi tư duy xem nông nghiệp - nông dân như những đối tượng cần giải cứu mỗi khi sản xuất gặp trục trặc, mà chỉ nên giải cứu khi họ gặp thiên tai hoặc những sự cố khách quan trên diện rộng. Bởi ai cũng hiểu, những chính sách giải cứu dù là đến từ phía Chính phủ cũng không thể thực hiện quá thường xuyên. Vậy nên, cần có những cách “cứu” một cách căn cơ hơn, bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức của chính nông dân.
Vi Lâm