Cho đến hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có một bộ tiêu chuẩn riêng về sản phẩm hữu cơ (organic). Việt Nam cũng chưa có quy trình và cơ quan kiểm nghiệm riêng để doanh nghiệp sử dụng nếu muốn đăng ký chứng nhận hữu cơ cho sản phẩm của mình theo bộ tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, châu Âu hay Nhật Bản.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Internet) |
Cho đến hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có một bộ tiêu chuẩn riêng về sản phẩm hữu cơ (organic). Việt Nam cũng chưa có quy trình và cơ quan kiểm nghiệm riêng để doanh nghiệp sử dụng nếu muốn đăng ký chứng nhận hữu cơ cho sản phẩm của mình theo bộ tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, châu Âu hay Nhật Bản.
Chẳng hạn, theo các quy định, định nghĩa của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (chứng nhận hữu cơ USDA), “tiêu chuẩn hữu cơ - organic” là từ được ghi trên nhãn những sản phẩm được sản xuất theo phương pháp và tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ được chấp thuận.
Các tiêu chuẩn hữu cơ này phải đạt những yêu cầu cụ thể, được kiểm định bởi một đơn vị trung gian được chỉ định bởi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ trước khi sản phẩm có thể dán nhãn USDA Organic (đạt chuẩn hữu cơ Hoa Kỳ).
Nguyên tắc chung của sản xuất theo nông nghiệp hữu cơ là phải có đầu vào sạch, gồm: đất, nước, không khí, các loại con/cây giống phải thuần, không được sử dụng giống biến đổi gen (GMO), các chất sử dụng trong sản xuất phải hoàn toàn hữu cơ và được cho phép (nghĩa là phân bón và thuốc trừ sâu phải là chế phẩm sinh học hữu cơ), cuối cùng là sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn về dinh dưỡng. Các loại hóa chất độc hại đều bị cấm trong canh tác hữu cơ.
Để xin được chứng nhận hữu cơ, doanh nghiệp phải tìm được cơ quan trung gian được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ chấp thuận và chỉ định là đơn vị trung gian được kiểm định và cấp chứng nhận hữu cơ ở Việt Nam theo tiêu chuẩn USDA, EU để được tư vấn và hướng dẫn.
Dưới sự giám sát của cơ quan này, doanh nghiệp sẽ lấy mẫu đất, nước gửi sang các phòng thí nghiệm của Hoa Kỳ hay châu Âu, nơi có trình độ và những thiết bị hiện đại nhất đủ để xét nghiệm nồng độ các chất có trong đất, nước để đảm bảo không tồn dư các kim loại nặng hoặc những chất có hại trong đất, nước dùng để canh tác.
Khi đã đạt chuẩn về mẫu đất, nước, doanh nghiệp còn phải sử dụng đúng giống cây trồng theo chuẩn quy định, các chất sử dụng trong sản xuất phải hoàn toàn hữu cơ và được cho phép (nghĩa là phân bón và thuốc trừ sâu phải là chế phẩm sinh học hữu cơ).
Cuối cùng, nông sản đầu ra cũng phải gửi đi để kiểm nghiệm và xác nhận đã đạt chuẩn hữu cơ, doanh nghiệp mới được cấp chứng nhận là sản phẩm hữu cơ và chứng nhận này chỉ có giá trị trong 1 năm; trên bao bì sản phẩm, doanh nghiệp cũng phải ghi rõ thời hạn chứng nhận này.
Với thực tế một số khu vực có đất và nước bị nhiễm độc khá nhiều trong hàng chục năm qua, doanh nghiệp thường mất 3-5 năm cải tạo đất mới đủ để gửi mẫu đi chứng nhận hữu cơ, chưa kể các khó khăn khác. Do đó, đạt chứng nhận hữu cơ thực sự từ Hoa Kỳ hay châu Âu vẫn là điều rất khó khăn mà không nhiều doanh nghiệp Việt Nam làm được.
Theo Báo Saigon Times, tính đến tháng 2-2017, mới có 50 công ty ở Việt Nam được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ với các mặt hàng nông nghiệp khác nhau, trong đó nhiều nhất là rau xanh (theo số liệu cập nhật của Bộ Nông nghiệp Mỹ - USDA).
Theo tìm hiểu, những doanh nghiệp này chủ yếu đã có đầu ra là xuất khẩu đến các nước phát triển, do đó lượng hàng hóa thực sự được chứng nhận hữu cơ bán ra ở thị trường trong nước là rất ít ỏi. Song do nhu cầu của người tiêu dùng rất chuộng các sản phẩm hữu cơ nên hiện tượng “loạn” hữu cơ đã và đang diễn ra trên thị trường, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất, mua bán vẫn ngang nhiên dán nhãn “hữu cơ” cho sản phẩm của mình dù chưa từng được chứng nhận.
Có lẽ, cơ quan chức năng của Việt Nam cần nhanh chóng soạn thảo bộ quy chuẩn sản phẩm hữu cơ riêng cho thị trường trong nước, hoặc trước mắt có thể hỗ trợ bằng nhiều cách để doanh nghiệp dễ dàng và bớt tốn kém chi phí hơn trong việc xin chứng nhận hữu cơ từ các tổ chức quốc tế.
Vi Lâm