Có vẻ như nỗ lực quản lý giá sữa - một trong những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá - đang ngày một trở nên khó khăn hơn, bởi doanh nghiệp (DN) sản xuất và nhập khẩu mặt hàng này ngày càng có nhiều chiêu trò để né tránh sự can thiệp hành chính vào việc tăng giá sữa.
Có vẻ như nỗ lực quản lý giá sữa - một trong những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá - đang ngày một trở nên khó khăn hơn, bởi doanh nghiệp (DN) sản xuất và nhập khẩu mặt hàng này ngày càng có nhiều chiêu trò để né tránh sự can thiệp hành chính vào việc tăng giá sữa.
Từ tháng 10-2010 đến cuối năm 2012, giá sữa và một số mặt hàng thiết yếu khác được điều chỉnh và quản lý bởi Thông tư 122 năm 2010 của Bộ Tài chính về quản lý giá sữa. Trong đó quy định DN phải đăng ký và giải trình với cơ quan chức năng về lý do tăng giá một cách hợp lý. Tuy nhiên, cách quản lý này nhanh chóng bộc lộ những kẽ hở và giá sữa vẫn tăng đều trong mấy năm qua.
Luật Giá đã được Quốc hội thông qua, chính thức có hiệu lực từ 1-1- 2013 quy định chặt chẽ hơn trong vấn đề tăng giá của DN. Cụ thể, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sẽ phải thực hiện đăng ký giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá (như: xăng, dầu thành phẩm; điện; sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; thóc, gạo tẻ thường và thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…). Tuy nhiên, dù có luật, những kẽ hở vẫn tiếp tục bị DN lợi dụng.
Một trong những “chiêu” mới nhất là DN đổi tên sản phẩm từ “sữa” thành “sản phẩm dinh dưỡng” để lách việc phải giải trình cho cơ quan chức năng mỗi lần tăng giá, vì theo Luật Giá, chỉ mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi mới thuộc diện bình ổn giá. Còn các sản phẩm dinh dưỡng khác, như: thực phẩm bổ sung, sữa chua, sữa đậu nành thì không thuộc danh mục này. Trong khi đó, khảo sát thị trường cho thấy, hầu hết các sản phẩm cho trẻ em (kể cả trẻ em dưới 6 tuổi) trước đây ghi là sữa thì nay đều được ghi nhãn với tên gọi mới là “sản phẩm dinh dưỡng”, hoặc không ghi nhãn. Chẳng hạn, trên bao bì hộp Enfalac A+ cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi hay Enfakid A+ cho trẻ từ 3 tuổi đều ghi là sản phẩm dinh dưỡng. Lactogen Gold 2 ghi là thức ăn công thức dinh dưỡng dành cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi. Đối với sản phẩm Friso Gold cho trẻ từ 1-3 tuổi cũng ghi là thực phẩm bổ sung.
Điều này càng khiến người tiêu dùng như lạc vào ma trận, bởi chỉ nhà sản xuất và cơ quan chuyên ngành mới có thể biết được bao nhiêu % đạm, béo trong sản phẩm thì gọi là sữa, bao nhiêu % thì gọi là thực phẩm bổ sung? Và nếu cả sữa lẫn thực phẩm bổ sung đều cần thiết cho trẻ em dưới 6 tuổi thì nên bình ổn giá cả hai hay chỉ bình ổn giá sữa? Dù có gọi là sữa hay không phải sữa, hàng tháng những người mẹ vẫn phải móc hầu bao mua cho con uống. Đáng nói là khi nhập khẩu nguyên liệu, các DN đều kê khai là sữa để có mức thuế thấp nhưng đến khi đóng hộp thì chuyển thành thực phẩm bổ sung để né việc đăng ký giá.
Thiết nghĩ cần phải minh bạch, rõ ràng khi công bố thông tin thành phần, giá cả cho người tiêu dùng biết và lựa chọn.
Kim Ngân