Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện buồn ở xứ người

09:03, 25/03/2013

Cô bạn tôi trong mấy ngày lưu lại Singapre đã mua hết gần 4 ngàn USD tiền quần áo, nước hoa, túi xách… Cũng trong mấy ngày lang thang ở Bangkok (Thái Lan), đâu đâu tôi cũng thấy người Việt Nam đi mua sắm: trung tâm thương mại, chợ phiên cuối tuần, chợ địa phương… thậm chí ở cả BigC (chuỗi siêu thị bán lẻ phổ biến ở Việt Nam) - đâu đâu cũng nghe tiếng Việt say mê trả giá, chọn hàng.

Cô bạn tôi trong mấy ngày lưu lại Singapre đã mua hết gần 4 ngàn USD tiền quần áo, nước hoa, túi xách… Cũng trong mấy ngày lang thang ở Bangkok (Thái Lan), đâu đâu tôi cũng thấy người Việt Nam đi mua sắm: trung tâm thương mại, chợ phiên cuối tuần, chợ địa phương… thậm chí ở cả BigC (chuỗi siêu thị bán lẻ phổ biến ở Việt Nam) - đâu đâu cũng nghe tiếng Việt say mê trả giá, chọn hàng. Anh bán hàng ở chợ phiên cuối tuần Chatuchak khi biết tôi là người Việt liền hồ hởi khoe: “Mấy năm nay, hàng hóa của tôi bán chủ yếu cho người Việt”.

Việc người Việt đem ngoại tệ ra nước ngoài mua sắm không còn là điều mới mẻ nữa, với doanh số ước tính tiền tỷ USD mỗi năm. Vậy họ mua gì? Xin thưa, họ mua thời trang hàng hiệu ở Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc…; mua máy móc và hàng công nghệ ở Mỹ, châu Âu… Thậm chí, mua những mặt hàng rất đỗi bình dân ở Thái Lan, Trung Quốc - những mặt hàng trong nước hoàn toàn có thể sản xuất. Chưa có con số thống kê cụ thể rằng người Việt Nam tiêu xài bao nhiêu ở nước ngoài. Thế nhưng, với con số 3,5 triệu lượt người Việt ra nước ngoài du lịch của năm 2012 (số liệu của Hiệp hội Du lịch Việt Nam) thì chỉ cần mỗi người dùng hết 300 USD cho mua sắm thì lượng ngoại tệ “chảy máu” đã là  lên tới cả tỷ USD. Trong khi đó, ngành du lịch Việt Nam luôn kêu ca rằng khách nước ngoài đến Việt Nam tiêu pha quá ít.

Đầu tháng 3-2013, trên một số phương tiện truyền thông, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh, có đưa ra so sánh: hàng năm, hàng chục triệu hộ nông dân Việt Nam phải ngày đêm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, mới xuất khẩu được vài tỷ USD mang về cho đất nước, trong khi đó, số ngoại tệ chảy ra nước ngoài để đi học, chữa bệnh, du lịch, mua nhà, mua sắm... còn cao hơn nhiều.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải… nói lại. Không phải tự nhiên người Việt mang tiền đi tiêu pha ở xứ người. Ngoài “tội” sính ngoại thì so sánh một cách công bằng, nhiều mặt hàng cùng loại ở trong nước khó sánh bằng. Với hàng hiệu, dăm bữa nửa tháng, lực lượng Quản lý thị trường lại phát hiện ra một vài cửa hàng rất sang trọng, cao cấp nhưng lại bán hàng hiệu… nhái, khiến người mua khó tin tưởng. Với hàng phẩm cấp thấp hơn, thì giá trong nước lại đắt hơn, mẫu mã cập nhật chậm hơn. Vì thế mà, nhiều người đi du lịch Thái Lan thường mua hàng thời trang rất nhiều để về bán lại, vì mỗi chiếc áo bán trong cửa hàng giá 300-400 ngàn, thì mua tại Thái Lan chỉ trên dưới 100 ngàn đồng. Thiết nghĩ, hàng tiêu dùng trong nước phải thực sự hấp dẫn người Việt nhiều hơn nữa, đa dạng về chủng loại và mẫu mã thường xuyên được cải tiến, mới hy vọng có thể làm thay đổi nhận thức sính hàng ngoại của người Việt mỗi khi ra nước ngoài.

Và, ngoài việc tuyên truyền người tiêu dùng chọn hàng trong nước bằng cách khuyến khích doanh nghiệp nâng cao chất lượng hàng hóa, cũng cần có những thông điệp rõ ràng hơn trong việc khuyến khích người tiêu dùng Việt Nam “nghĩ ngợi một chút” trước khi vung tay mua sắm ở nước ngoài.

Kim Ngân

 

 

Tin xem nhiều