Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỹ năng từ chối

10:11, 01/11/2015

Ðào Duy Từ (1572-1643), người làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, nay là huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, học giỏi, có tài thao lược, nhưng bị đánh rớt trong các kỳ thi triều Lê vì lai lịch: Con của nghệ nhân hát chèo, thành phần xướng ca vô loại.

Ðào Duy Từ (1572-1643), người làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, nay là huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, học giỏi, có tài thao lược, nhưng bị đánh rớt trong các kỳ thi triều Lê vì lai lịch: Con của nghệ nhân hát chèo, thành phần xướng ca vô loại. Bất đắc chí, Đào Duy Từ rời bỏ nhà Lê, vào Nam theo chúa Nguyễn, được trọng dụng, phát huy tài năng, lâp đại công, cho  đắp lũy Trấn Ninh, lũy Trường Dục… nhiều phen đánh bại quân Trịnh.

Năm Kỷ Tỵ (1629), sau khi đuổi được nhà Mạc, Trịnh Tráng thừa thế lấy danh nghĩa nhà Lê bắt chúa Nguyễn phải hàng phục. Chúa Trịnh sai sứ mang sắc vua Lê vào phong cho Chúa Nguyễn Phúc Nguyên chức Thái phó quốc công, dụ chúa Nguyễn cho con ra chầu, nộp ba chục thớt voi và ba chục chiến thuyền.

Chúa Nguyễn tiếp sứ, nhưng ý không muốn thụ phong, không muốn tuân theo yêu sách của chúa Trịnh. Ðào Duy Từ hiến kế, sai làm một cái mâm hai đáy, bỏ tờ sắc phong của chúa Trịnh vào phần dưới, bên trên là mảnh lụa đào viết 4 câu gồm 16 chữ, sai sứ là Văn Khuông mang ra Thăng Long dâng lên vua Lê, chúa Trịnh.

Chúa Trịnh biết là kháng sắc, nhưng đọc hoài không hiểu ý 4 dòng chữ trên lụa đào: “Mâu nhi vô dịch. Mịch phi kiến tích. Ái lạc tâm trường. Lực lai tương địch”. Nghe nói, phải mời đến Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan mới được giải mã. Trạng Bùng giải thích: “Mâu nhi vô dịch nghĩa là chữ “mâu” mà không có dấu phết thế tức là chữ “dư”; Mịch phi kiến tích nghĩa là chữ “mịch” mà bỏ chữ “kiến” là chữ “bất”. Ái lạc tâm trường, chữ “ái” bỏ chữ “tâm” nghĩa là chữ “thụ”; Lực lai tương địch nghĩa là chữ “lực”đối địch với chữ “lai”, hai chữ để cạnh nhau, thế là chữ “sắc”. Vậy, hàm ý của chúa Nguyễn là DƯ BẤT THỤ SẮC (ta không nhận sắc phong)”.

Hiểu ý, chúa Trịnh nổi giận cành hông nhưng hổng biết phải làm gì. Có tâu lên vua Lê cũng bằng không, vì cả vua Lê và chúa Trịnh đều không nhận ra rằng, vì lai lịch mà lãng phí nhân tài, đẩy nhân tài vào tay đối phương trở thành kháng lực khó đỡ cho mình.

Bài học dùng người đối với Đào Duy Từ có được chú ý trong nhân sự thời nay không ta?

Trực Tử

Tin xem nhiều