Truyện cổ tích Việt có chuyện kể về sự tích con Mèo, con Chuột và nỗi khổ tâm của Vua bếp. Kể lại chuyện xưa theo cách hiểu mới không khỏi xao lòng về chuyện thế sự thời nay.
Truyện cổ tích Việt có chuyện kể về sự tích con Mèo, con Chuột và nỗi khổ tâm của Vua bếp. Kể lại chuyện xưa theo cách hiểu mới không khỏi xao lòng về chuyện thế sự thời nay.
Vua bếp được Trời giao việc bếp núc, luôn phải sạch sẽ, minh bạch, thơm ngon. Tự dưng, xuất hiện một giống vật ăn bẩn, ăn tham, vụng trộm làm nhiễu loạn công việc của Vua bếp. Vua bếp bực mình, muốn tiêu diệt giống vật này, nhưng sợ phạm luật (vì Trời chỉ giao Vua bếp nhiệm vụ nấu nướng, chưa giao nhiệm vụ diệt ác trừ gian).
Vua bếp về Trời, bẩm báo sự việc, nêu thắc mắc và xin ý kiến. Trời sai tra hồ sơ kỹ càng rồi giải đáp: “Giống vật ấy vốn là một viên chức của nhà Trời, tên gọi là Chuột, được giao nhiệm vụ giữ chìa khoá kho lúa trời. Nhưng Chuột không đáng tin cẩn, nhân được giữ chìa khóa, cứ tự do đến mở kho rủ nhau vào ăn rả rích hết bao nhiêu là lúa. Ta giận lắm, đày xuống hạ giới để đoái công chuộc tội. Không ngờ, chứng nào tật ấy, ngang nhiên làm hại nhân gian”.
Vua bếp đề xuất: “Lúa của Trời ít, lúa của nhân gian nhiều. Để Chuột phá hại nhân gian, hậu quả khôn lường. Vậy, kính xin nhà Trời triệu hồi Chuột về. Hoặc nhà Trời cho chúng tôi diệt cho tiệt giống họ Chuột”.
Trời vuốt râu, khẳng khái: “Không được! Theo luật Trời, các người không có chức năng diệt Chuột; cũng không thể đưa Chuột trở lại Trời vì chưa hết hạn bổ nhiệm. Thôi bây giờ ta cử Mèo xuống hạ giới. Mèo có chức năng bắt Chuột, được phép xơi tái Chuột; khi nào không bắt Chuột, kêu “Nghèo, nghèo, nghèo”, thì Chuột nghe tiếng, biết sợ mà bỏ đi”.
Vua bếp lạy tạ, mang Mèo về, lòng khấp khởi: “Phen này, lũ Chuột có mà chạy đàng Trời!”.
Hổng ngờ, một thời gian sau, Chuột tuy có sợ Mèo, nhưng lẩn tránh giỏi hơn, quấy phá tinh khôn hơn. Mèo tuy có bắt Chuột, nhưng bắt Chuột khó quá, chuyển sang ăn vụng, thỉnh thoảng xơi tái cả gà vịt; tiếng kêu “nghèo, nghèo… nghèo” Chuột quen dần, bớt sợ, Mèo mỏi mệt chuyển âm thành “meo, meo … meo”. Việc buồn chán quá, sinh lười nhác, Mèo ngại đi xa, thường bới đống tro, ị vào đấy, giấu “của nợ” vào đấy (nên nhân gian có câu giấu gì đó như mèo giấu …).
Tội nghiệp Vua bếp, đã không trừ được Chuột, giờ thêm phải hầu hạ và cảnh giác với Mèo. Bí lối quá, Vua bếp tự túm tóc mình kêu lên: “Việc chống nhiễu nhương sao mà khó quá vậy Trời!”. Trời nghe hết, biết hết nhưng im lặng, vì đã xử lý rồi. Cho nên, lời khẩn thiết của Vua bếp còn đó, vang vọng đến nay, nhất là trong công cuộc phòng chống tham nhũng.
Trực Tử