Nhà Tống (Trung Quốc) sau khi củng cố đất nước, bắt đầu dòm ngó các nước láng giềng, thường sai sứ sang nước ta để thăm dò thực lực.
Nhà Tống (Trung Quốc) sau khi củng cố đất nước, bắt đầu dòm ngó các nước láng giềng, thường sai sứ sang nước ta để thăm dò thực lực. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại: Năm 987 niên hiệu Thiên Phúc thứ 8, triều Tống cử sứ giả là Lý Giác sang nước ta. Vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) bèn mời sư Pháp Thuận, vị thiền sư tài cao học rộng, kiến thức uyên thâm giả làm người chèo đò ở sông Sác, đưa Lý Giác sang sông. Lúc thuyền qua sông, Lý Giác nhìn cảnh sông rất đẹp lại có thêm hai con ngỗng đang bơi, liền cao hứng ngâm: Nga nga lưỡng nga nga/Ngưỡng diện hướng thiên nha. Vừa ngâm tới đây, thì ông lão chèo đò cất giọng ngâm tiếp: Bạch mao phô lục thủy/Hồng trạo bãi thanh ba. Nếu hợp lại bốn câu thì thành một bài thơ tuyệt tác (có nghĩa: Song song ngỗng một đôi/Ngửa mặt ngó ven trời/Lông trắng phơi dòng biếc/Sóng xanh chân hồng bơi). Lúc bấy giờ, sứ thần Trung Quốc nghĩ nước Nam thật lắm người tài, chỉ một lão chèo đò mà đã tài giỏi như thế. Lý Giác trở về nước Tống trình báo, cho rằng không nên cử binh đánh nước ta.
Lấy sức mạnh chống lại sức mạnh, nếu thắng, cũng hao tổn nhân lực, vật lực, chỉ là cách hạ đẳng. Biết dùng trí mưu để gìn giữ hòa bình, độc lập, ấy mới là cách thượng đẳng. Hơn ngàn năm trước, cha ông đã để lại bài học quý giá cho hậu thế hôm nay.
Trực Tử