Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỹ năng ứng đối

10:10, 30/10/2015

Mạc Đỉnh Chi tên tự là Tiết Phu (1280-1346), làm quan đời Trần Anh Tông, có nhiều công trạng trong việc đối ngoại, được vinh danh là "lưỡng quốc Trạng Nguyên". Có nhiều giai thoại về tài ứng đối của Mạc Đỉnh Chi, trong đó có những ứng đối vinh danh đất nước.

Mạc Đỉnh Chi tên tự là Tiết Phu (1280-1346), làm quan đời Trần Anh Tông, có nhiều công trạng trong việc đối ngoại, được vinh danh là “lưỡng quốc Trạng Nguyên”. Có nhiều giai thoại về tài ứng đối của Mạc Đỉnh Chi, trong đó có những ứng đối vinh danh đất nước.

Năm 1308 Mạc Đỉnh Chi đi sứ nhà Nguyên, lúc vào bệ kiến, vua Nguyên muốn thử tài văn chương của Trạng và cũng muốn dò tiết khí của viên bồi thần bằng một câu đối. Vua Nguyên đọc: “Nhật hỏa, vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thố” (nghĩa là: Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày đốt cháy vừng trăng).

Mạc Ðỉnh Chi biết là vua Nguyên kiêu hãnh, tự xem mình là mặt trời, và coi nước Nam như là mặt trăng, ban ngày nhất định phải bị mặt trời thôn tính. Ông ứng khẩu đọc câu đối: “Nguyệt cung, linh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô” (nghĩa là: Trăng là cung, sao là đạn, chiều tối bắn rơi mặt trời).

Câu đối đã hay, vế đáp càng giỏi. Căn bản là vế đối thể hàm nghĩa thể hiện tinh thần sẵn sàng đáp trả cường lực của kẻ mạnh. Vua Nguyên nghe đối biết mình đã bị đáp trả tinh tế, thay đổi thái độ, tỏ vẻ kính phục Mạc Ðỉnh Chi, thưởng cho sứ giả nước Nam rất hậu.

Một câu ứng đối thể hiện được tinh thần của một quốc gia nhỏ bé mà không hèn yếu trước cường quốc đe dọa bằng bạo quyền. Kỹ năng ứng đối của Mạc Đỉnh Chi quả là bậc thầy trong đối ngoại. Hổng biết kỹ năng này có được trao truyền trong ngành ngoại giao hôm nay hay không mà mỗi khi nghe phát ngôn trước bá quyền, sao mà yểu xìu, bà con dân ta hổng sướng tí nào!

Trực Tử

Tin xem nhiều