Báo Đồng Nai điện tử
En

Thời vận

10:09, 20/09/2015

Nói đến "nhẫn" để làm nên đại sự, người ta nhớ ngay đến Hàn Tín. Nhưng, đại sự không phải lúc nào cũng đến chỉ bằng chữ nhẫn, còn lệ thuộc vào "thời vận". Nói đến thời vận, người ta cũng không quên bài học Hàn Tín.

Nói đến “nhẫn” để làm nên đại sự, người ta nhớ ngay đến Hàn Tín. Nhưng, đại sự không phải lúc nào cũng đến chỉ bằng chữ nhẫn, còn lệ thuộc vào “thời vận”. Nói đến thời vận, người ta cũng không quên bài học Hàn Tín.

Hàn Tín là danh tướng đại công thần giúp Lưu Bang dựng nghiệp nhà Hán kéo dài 400 năm. Ông xuất thân trong một gia đình nghèo hèn, mồ côi từ nhỏ, không biết buôn bán, không muốn làm ruộng, không có tài sản gì, ôm chí lớn trong nghề câu cá ở sông Hoài. Người đời chê bai, kỳ thị, Hàn Tín lặng thinh, không thay đổi. Một bà lão giặt quần áo ở bến sông Hoài cho cơm ăn, Hàn Tín nhận cơm, tự hứa lòng sẽ báo đáp. Một anh hàng thịt muốn làm nhục Hàn Tín: “Nếu mày gan dạ, thì dùng gươm đâm tao; nếu mày là kẻ hèn nhát, thì chui qua háng tao”. Hàn Tín không nói gì, chui qua háng tay hàng thịt nọ. Câu chuyện “chịu nhục luồn trôn” truyền đời từ đó.

Thực ra, Hàn Tín là một người có mưu lược, kỳ tài, biết vượt qua chuyện thường tình, dành tâm sức cho việc nghiên cứu phép dùng binh, dựng nghiệp lớn. Năm 209 trước công nguyên, Hàn Tín gặp thời được Tiêu Hà tiến cử, Lưu Bang trọng dụng, lập nhiều đại công, được phong chức đến Tề vương, Sở vương, quyền uy ngất ngưởng.

Nhưng, sự đời, “thời khứ - vận lai”. Tài năng và tước trọng của Hàn Tín đã làm ngứa mắt nhiều người lại khiến Hán Cao Tổ Lưu Bang lo xa. Năm 201 trước công nguyên, Hán Đế đi tuần Vân Mộng, triệu Sở vương Hàn Tín đến chầu, bắt giữ, giáng phong làm Hoài Âm Hầu. Sau đó, Lã Hậu cũng không tha, tìm cớ khép tội, xử chém ở nhà treo chuông cung Trường Lạc, chém cả ba họ. Trước khi chết chém, Hàn Tín nhận ra chân lý, kêu lên: “Thỏ khôn hết thì chó giỏi bị nấu, chim cao hết thì cung tốt bị cất, nước địch bị phá thì mưu thần hết đời. Thiên hạ đã bình định rồi, ta bị nấu là đáng lắm!”.

Thực ra, số phận của Hàn Tín đã có bài học từ “Văn Chủng - Phạm Lãi” thời chiến quốc. Chữ “tài” - chữ “tâm” thuộc con người. Nhưng chữ “thời  vận” nằm ở chỗ “dùng người”. Bởi vậy, đời nay, kẻ có tài ít tự tin, nhưng cũng không quá bi quan, thường nhấp chén trà chiêm nghiệm lẽ thường tình: “THỜI LAI TRI ĐỒ ĐIẾU. VẬN KHỨ THỨC ANH HÙNG”!

Trực Tử

Tin xem nhiều