Báo Đồng Nai điện tử
En

Vườn ấy người xưa

10:07, 19/07/2015

Thôi Hộ, thi sĩ nổi tiếng thời Đường, một lần đến thăm ngôi nhà có nhiều hoa đào. Thôi Hộ vừa mê sắc đào thắm, vừa bối rối trước lời chào của cô chủ xinh đẹp. Qua chuyện trò thân mật, Thôi Hộ được biết người đẹp tên là Đào Phụng Trinh, tuổi đang kỳ xuân sắc, sống bằng nghề trồng hoa.

Thôi Hộ, thi sĩ nổi tiếng thời Đường, một lần đến thăm ngôi nhà có nhiều hoa đào. Thôi Hộ vừa mê sắc đào thắm, vừa bối rối trước lời chào của cô chủ xinh đẹp. Qua chuyện trò thân mật, Thôi Hộ được biết người đẹp tên là Đào Phụng Trinh, tuổi đang kỳ xuân sắc, sống bằng nghề trồng hoa.

Năm sau, Thôi Hộ có dịp trở lại chốn cũ. Nhà vẫn thế, cảnh vẫn vậy, đào vẫn thắm, nhưng bóng hồng đâu chẳng thấy. Thi sĩ buồn bã lấy bút đề thơ lên cánh cửa:“Khứ niên kim nhật thử môn trung. Nhân diện đào hoa tương ánh hồng. Nhân diện bất tri hà xứ khứ. Đào hoa y cựu tiếu đông phong”. (Tạm dịch:“Ngày này năm ngoái cửa ngoài. Hoa đào ánh với mặt người đỏ tươi. Mặt người chẳng biết đâu rồi. Hoa đào còn đó vẫn cười gió đông”).

Rồi hồn thơ ở lại, nhà thơ quay gót về quê. Đúng một năm sau nữa, nhìn sắc đào đỏ thắm, thi sĩ đa tình lại bâng khuâng nhớ người đẹp vườn đào, chàng bèn khăn gói đến thăm nơi cũ.

Lần này, mới bước vào vườn, Thôi Hộ đã nghe tiếng khóc của người cha đang tiếc thương con gái. Ông lão kể:“Lão là Đào Bạch Phụng, tuổi đã lục tuần, chỉ có mỗi một con gái là Đào Phụng Trinh, cho ở căn nhà này, chăm sóc vườn hoa này đã mấy năm. Mới đây, Phụng Trinh nhắm mắt lìa đời. Lão thương quá không cầm được nước mắt”.

Thôi Hộ âu sầu:“Vì sao Phụng Trinh mất vậy bác?”. Ông lão sụt sùi: “Vì thương nhớ một người. Cách đây hai năm, có một chàng thi sĩ ghé ngang đây tâm tình với con gái lão rồi từ biệt ra đi. Phụng Trinh rất nhớ. Mùa đào năm ngoái, khi đi lễ chùa về, con gái lão trông thấy bài thơ trên cánh cửa. Mặt hoa đang héo hắt bỗng tươi thắm sắc đào. Phụng Trinh ôm lòng chờ đợi. Chờ hoài, đợi mãi; héo hắt, mỏi mòn đến kiệt sức. Trước khi tắt thở, Phụng Trinh còn lẩm nhẩm đọc thơ. Bài thơ trên cánh cửa đây này”.Thôi Hộ nhìn bút tích của mình mà quặn thắt ruột gan.

Hình như Thôi Hộ nghĩ rằng: Làm thơ để thể hiện tình yêu. Yêu để làm người chứ không chỉ để làm thơ.

Trực Tử

 

Tin xem nhiều