Ngũ Tử Tư là người nước Sở, bị vua Sở giết cha, giết anh nên phải chạy sang nước Ngô lánh nạn. Trên đường bôn tẩu, đương lúc lương hết, bụng đói cồn cào, Ngũ Tử Tư gặp một cô gái đang đập sợi ở bến sông Lại Thủy với giỏ cơm bên cạnh.
Ngũ Tử Tư là người nước Sở, bị vua Sở giết cha, giết anh nên phải chạy sang nước Ngô lánh nạn. Trên đường bôn tẩu, đương lúc lương hết, bụng đói cồn cào, Ngũ Tử Tư gặp một cô gái đang đập sợi ở bến sông Lại Thủy với giỏ cơm bên cạnh. Ngũ Tử Tư bước đến: “Tôi lỡ đường đói quá! Cô sẵn cơm đây, xin làm phúc cho tôi một bữa”.
Cô gái thẹn thùng: “Tôi phận gái chưa chồng, ông là người lạ, ở đây thanh vắng, dâng cơm ông ăn sao tiện?”.
Tử Tư nói: “Giữ gìn là tốt, nhưng là chuyện nhỏ, cứu người hoạn nạn để giữ điều nhân, đó mới là chuyện lớn. Cô cho kẻ hèn này một bữa cơm, ơn sâu tạc dạ, ngại gì tai tiếng”.
Biết Tử Tư không phải người thường, cô gái mở giỏ cơm đem mời rồi đứng nhìn khách lạ ăn trong cơn đói. Ăn hết nửa phần cơm, Tử Tư đứng dậy. Cô gái hỏi: “Ông đường xa đói mệt, sao không ăn cho đủ no đi?”.
Tử Tư nói: “Tôi đã đủ no để tiếp tục. Ơn này xin kết cỏ ngậm vành. Cô đậy giỏ cơm, bầu nước lại và đừng lộ chuyện này cho ai biết nhé”.
Cô gái cúi đầu thở dài: “Tôi ở một mình với mẹ từ nhỏ, một lòng trinh trắng chẳng tai tiếng gì. Nay đưa cơm cho ông ăn, đưa nước cho ông uống đã là vượt quá chữ lễ. Ông còn dặn phải giữ kín chuyện, biết lấy gì để giữ chữ tín với ông đây. Thôi, ông cứ an tâm mà đi để lo chuyện lớn. Khi nên danh nghiệp đừng quên người con gái này”.
Tử Tư vừa quay đi được mấy bước thì cô gái đã đâm đầu xuống sông, giữ trọn chữ tín trong dòng Lại Thủy.
Chữ tín đáng quý, có người giữ nó bằng tính mạng của mình. Nhưng, chữ tín cũng dễ bị bức tử bằng sự hoài nghi. Người ơi!Hãy tin nhau mà sống, bớt đi sự hoài nghi được chăng?
Trực Tử